Nhiều tân binh rót cả ngàn tỷ vào bất động sản công nghiệp
Trọng Tín - 27/03/2021 10:39
 
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới tham gia nhằm đón đầu cơ hội dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn lớn về Việt Nam đã thổi bùng thị trường bất động sản công nghiệp.            Ảnh: Lê Toàn
Làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn lớn về Việt Nam đã thổi bùng thị trường bất động sản công nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Những gương mặt mới

Năm 2021, sức nóng của bất động sản công nghiệp đã và đang thu hút sự quan tâm của không chỉ các ông lớn trong ngành, mà còn của nhiều gương mặt mới. Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 19 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 4.596,3 ha được phê duyệt.

Ngoài những ông lớn với kinh nghiệm lâu năm như Viglacera, Sonadezi, Hòa Phát hay Hoàng Thịnh Đạt..., thì không ít cái tên mới cũng dồn dập gia nhập thị trường.

Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong, một nhà thầu xây lắp có tiếng tại Nam Định khi trúng hàng chục gói thầu với tổng giá trị trúng thầu lên tới cả ngàn tỷ đồng. Gần đây, Đại Phong đã được chấp thuận Dự án Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) quy mô 158,48 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.621 tỷ đồng.

Một tay chơi mới nữa là Công ty cổ phần Trung Khởi. Được thành lập tháng 3/2020, vốn điều lệ là 815 tỷ đồng, Trung Khởi chính là hạt nhân trong hệ sinh thái của Công ty cổ phần Tập đoàn MCD. Thời gian qua, MCD không giấu diếm tham vọng khi chuyển mình mạnh mẽ với loạt dự án lớn trong nhiều lĩnh vực như Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hải Dương hơn 1.000 tỷ đồng; Dự án Khu nhà xưởng và văn phòng Trung Khởi - Quán Ngang quy mô 28,89 ha được Quảng Trị chấp thuận tháng 5/2020; hay mới đây là Dự án Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú cũng tại Quảng Trị, quy mô 528,97 ha, tổng mức vốn đầu tư lên đến 4.533,61 tỷ đồng.

Tại tỉnh Hải Dương, Dự án Khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình với quy mô sử dụng đất 180 ha, tổng vốn đầu tư 1.947 tỷ đồng cũng vừa được giao cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 9/2019, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là công ty con đặc trách kinh doanh bất động sản của Tập đoàn An Phát Holdings.

Một công ty có tuổi đời khá trẻ khác là Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long, vào ngày 22/2 cũng đã được giao đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Hàn quy mô 50 ha (giai đoạn I) tại tỉnh Bắc Giang. Doanh nghiệp này được thành lập vào cuối năm 2020, là công ty con Công ty cổ phần Constrexim số 1.

Tiếp tục bùng nổ

Cũng là một gương mặt mới, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư IMG được biết đến là một doanh nghiệp khá thành công với những dự án nhà ở tại Hà Nội, hiện cũng đang xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp - cầu cảng Phước Đông, với diện tích lên tới 145 ha tại Long An.

Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc IMG nhìn nhận, khả năng hồi phục mạnh của nền kinh tế trong năm tới sẽ thúc đẩy mảng bất động sản công nghiệp bùng nổ do vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ sản xuất toàn cầu.

Theo phân tích của ông Tùng, hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản đều đang gặp khó khăn. Đơn cử, phân khúc nhà ở gặp vướng mắc về pháp lý, khiến cho mỗi dự án mất tới 3 - 5 năm mới xong pháp lý của dự án. Bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, trong khi văn phòng cho thuê mất tới 11 - 18 năm mới thu hồi vốn do giá đất ở trung tâm các thành phố lớn đang rất cao.

Trong khi đó, các chỉ số vĩ mô đều ủng hộ mảng bất động sản công nghiệp phát triển. Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm tới tăng trưởng ít nhất 6%, trong đó mức dự báo cao nhất lên tới 11%. Nếu đạt được mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng mới của khu vực. Ông Tùng nhận định, dòng tiền đổ vào đầu tư công, đầu tư hạ tầng, xây dựng sẽ tăng sức thu hút đầu tư nước ngoài.

“Dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ càng lớn vì doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam. Việc khống chế thành công đại dịch là điểm cộng rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Tùng nói.

Còn với Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, một doanh nghiệp khá nổi tiếng ở khu vực phía Nam khi phát triển thành công nhiều dự án nhà ở thương mại, hiện đang triển khai Dự án Khu dịch vụ kho bãi logistics đầu tiên với diện tích 24 ha gần cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong cuộc chạy đua của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đại diện Phát Đạt cho biết, doanh nghiệp mở hướng đi mới này không phải chỉ đơn thuần chạy theo xu hướng hay cơ hội ngắn hạn, mà có sự lựa chọn, chuẩn bị và triển khai với nền tảng vững chắc. Mục tiêu đảm bảo rằng các dự án sẽ đạt hiệu quả và tính hữu dụng cao nhất cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong tình hình khó khăn, bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất hiện nay. Song, để có thể phát triển bền vững, thu hút dòng vốn FDI chất lượng trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Việc khống chế thành công đại dịch là điểm cộng rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại lớn được ký kết, dự báo dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản