Nhà tôi nhưng không phải… nhà tôi!
Nghĩa là sao? Nhà tôi mà lại không phải nhà tôi, thì có phải là muốn điên đầu hay không?

1.

Cuối tuần, tôi nhận được thiệp mời đi sinh nhật một anh bạn vong niên. Anh là Việt kiều Mỹ, về Việt Nam sinh sống chừng 10 năm nay. Ở Mỹ, không rõ anh làm công việc gì, nhưng về Sài Gòn thì công việc của anh chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp. Thấy cuộc sống của anh tại quê nhà suôn sẻ và xuôi chèo mát mái.

Anh về Việt Nam sau khi chia tay người vợ đầu và hiện đang ổn định trong mối quan hệ với một đối tác theo nhiều nghĩa. Cả anh lẫn chị đều không muốn kết hôn lần nữa, chỉ muốn duy trì cuộc sống tự do với cuối tuần đi chơi với bạn bè, trong tuần bay đi chỗ này chỗ khác du lịch.

Ở tuổi đã vượt quá trung niên, khái niệm chồng vợ chỉ là tương đối. Tháo xích này ra rồi lại cột vào xích khác, quả thật không phải sự chọn lựa hoàn hảo. Nhất là, với việc di chuyển nhiều và thời gian dành cho gia đình của những người bận rộn kinh doanh, thì tất cả khái niệm của một hình mẫu gia đình đều không cần áp dụng và cũng không cần thiết.

Khi về Sài Gòn, anh mua 3 căn hộ tại 1 khu chung cư cao cấp bên sông. Ban đầu, anh kể muốn cùng “đối tác” về đó ở, nhưng chị lại có căn biệt thự lớn bên Phú Mỹ Hưng sẵn rồi. Con cái đã lớn, đã cưới chồng, cưới vợ nên việc ở đâu của 2 người lớn cũng không phải là vấn đề quá khó. Nhưng cũng khó là vì tuổi đã lớn, thì lại phát sinh… khó tính.

Anh kể, mỗi người đã có thói quen ăn ngủ khác nhau, nên để hòa hợp lại là cả câu chuyện thích nghi có khi loay hoay tới cuối đời. Ví như anh ở Mỹ từ nhỏ nên không chịu nổi mùi nước mắm và mắm tôm, trong khi món ăn nào của chị thì cũng cần chấm nước mắm. Chị không phù hợp với ăn bánh mỳ cùng trứng và bơ vào buổi sáng, vì kêu khô quá, khó nuốt nổi, còn anh thì lại thích ăn hàng ngày.

Trong cách ngủ của 2 người cũng nhiều sự khác biệt. Anh chỉ thích ngủ sớm để dậy sớm, còn chị lại chỉ thích ngủ trễ để dậy trễ. Bởi vậy, cách mà họ gắn bó với nhau, là các cuộc hẹn gặp cà phê và đi gặp gỡ đối tác. Còn lại thì vẫn cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, con ai nấy thăm.

Bởi vậy mà tới khi tổ chức sinh nhật, thì được anh chị chọn tổ chức 2 nơi. Tiệc đầu tiên, các bạn bè tập trung ở bên nhà chị, nơi có sân vườn rộng rãi để ăn tiệc BBQ uống rượu vang ngoài trời. Xong phần đầu thì sẽ di chuyển qua nhà anh ở căn hộ nhìn xuống sông Sài Gòn để uống trà và cà phê.

Thú thật là tôi (và chắc mọi quan khách được mời) đều chưa có dịp nào đi sinh nhật mà phải rồng rắn qua 2 quận như ở tiệc sinh nhật này. Và ở nhà nào, thì anh cũng hài hước giới thiệu cả người lẫn nhà với câu “nhà tôi mà không phải là… nhà tôi” bao hàm nhiều ý nghĩa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2. 

Người ta thường nói khái niệm “nhà tôi” khi đi với bà xã, là bởi có lẽ bao giờ hình ảnh người vợ cũng gắn liền với hình ảnh căn nhà. Tất nhiên rồi, chồng vợ phải ở chung với nhau và khi cưới vợ cưới chồng thì phải tính tới việc thuê nhà, mua nhà, cất nhà. Nhưng đôi khi ở đời cũng có nhiều chuyện ngược lắm.

Ví như rõ ràng là “nhà tôi”, là đường đường bà xã, mà lại không có nhà; trong khi người không phải là “nhà tôi” lại sở hữu vài căn nhà. Ví như có đấng mày râu sở hữu rất nhiều nhà, nhưng lại dang dở nhiều tập, mãi vẫn chưa vào chung kết được “nhà tôi”. Ví như có nhiều người trong các cuộc lễ tiệc đều công khai giới thiệu “nhà tôi”, nhưng thực sự phía sau thì chỉ bạn bè thân quen mới biết được rằng, ông ấy đã ở 1 căn nhà khác cả chục năm nay rồi.

Bởi thế, nên xoay quanh từ “nhà tôi” cũng nhiều chuyện éo le lắm. Kể được hết ra có khi phải cả cuốn tiểu thuyết, chứ không phải chỉ trong cuộc “trà dư tửu hậu” này.

Dường như gần đây người ta đã ít xài hơn từ “nhà tôi” để khỏi có những hiểu lầm lắt léo. Và rồi càng ngày, xu hướng sống tự do ở lứa tuổi trung niên càng rõ rệt hơn. Có lẽ vậy chăng mà các căn hộ chung cư cao cấp với diện tích vừa phải, 1 phòng ngủ bao giờ cũng bán hết hàng trước tiên?

Dù sao thì “nhà tôi” cũng rất cần, vì đó không phải là… nhà người khác!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản