Nhà giá rẻ sẽ "nóng" trở lại?
Sự lên ngôi của phân khúc trung và cao cấp khiến phân khúc nhà giá rẻ vốn có nguồn cầu lớn bị bu mờ trong năm 2015. Tuy nhiên, với những diễn biến từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nhà giá rẻ được dự báo sẽ lấy lại vị thế của mình.
Ảnh: Dũng Minh
Tại phân khúc nhà giá rẻ, dù cung thấp hơn cầu nhưng giá vẫn tăng chậm và ổn định. Ảnh: Dũng Minh

Nhộn nhịp mở bán

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, nhiều dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai và tiến hành mở bán ngay từ đầu năm.

Cụ thể, sau khi mở bán thành công đợt 1 Tòa T2, Dự án Thăng Long Victory (Khu đô thị Nam An Khánh) cuối năm 2015, CTCP Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà, chủ đầu tư dự án đang mở bán đợt cuối từ đầu năm nay với mức giá từ 0,8 - 1,3 tỷ đồng/căn. Đồng thời, đơn vị này cũng tiết lộ, sẽ tiếp tục xây dựng Tòa T3 và mở bán ngày trong năm 2016 này.

Tương tự, ngày 23/1, Geleximco chính thức mở bán Dự án Gemek Premiem, quy mô 900 căn, với giá khoảng 15 triệu đồng/m2, diện tích từ 65 - 91 m2/căn. Trước đó, Dự án Gemek Tower của doanh nghiệp này cũng đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm của người mua.

Một dự án nhà ở giá rẻ khác cũng mới được thông báo sẽ mở bán sau Tết Âm lịch là Dự án Nhà phố thương mại Ngọc Sinh do CTCP Lộc Ninh làm chủ đầu tư. Mức giá chào bán dự kiến từ 11 triệu đồng/m2 với các căn có diện tích từ 48,85 - 82,49 m2/căn và có khả năng vay được gói 30.000 tỷ đồng.

Ngoài các dự án kể trên, một số dự án nhà giá rẻ khác cũng được chào bán trong quý IV/2015 và quý I/2016 như Dự án Tứ Hiệp Plaza của CTCP Thương mại và dịch vụ Vinh Hạnh, hay Tòa tháp Tincom Pháp Vân…

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, trong năm 2016, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ được thị trường đón nhận tích cực và giao dịch, cũng như đầu tư cho các dự án này được dự đoán sẽ tăng trong năm nay.

Một đặc điểm đáng chú ý của phân khúc này là dù cung thấp hơn cầu, nhưng giá lại tăng chậm và ổn định.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, giá phân khúc nhà giá rẻ chỉ tăng khoảng 2% trong năm 2015 so với 5 - 6% ở phân khúc trung bình và 5 - 15% ở phân khúc căn hộ cao cấp.

Điểm mấu chốt khiến cho giá của phân khúc nhà ở giá rẻ ít biến động là các doanh nghiệp tham gia phát triển dự án thuộc phân khúc này, đặc biệt là nhà ở xã hội nhận được ưu đãi rất lớn từ thuế, tiền sử dụng đất… 

Gỡ vướng một số vấn đề

Ngoài các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, với nhiều chính sách ưu đãi, nhất là việc nâng biên lợi nhuận lên 20%, phân khúc nhà xã hội, nhà cho người thu nhập thấp cũng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm nay.

Đặc biệt, với sự ra đời của Thông tư 25/2015/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cũng đã mở ra một cánh cửa mới cho các nhà đầu tư vào phân khúc này.

Cụ thể, mức cho vay để mua, thuê mua tối đa với các dự án nhà ở xã hội lên tới 80% tổng mức đầu tư dự án. Thời gian cho vay được kéo dài tối đa lên tới 20 năm với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và tối đa 15 năm với các dự án nhà ở xã hội cho thuê mua, bán.

Theo nhận định ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở bình dân cho người thu nhập thấp sẽ đáp ứng được mong mỏi của rất nhiều người. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần quan tâm để phân khúc này phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chuẩn bị kết thúc và mức lãi suất vẫn khá cao, nên có gói tín dụng thay thế.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều hạn chế trong quy định cho người mua nhà, như lao động ngoài khu công nghiệp không được  mua nhà tại các dự án trong khu công nghiệp, thời gian bán lại sau khi mua…

“Càng sớm giải quyết được các vấn đề trên, thì phân khúc nhà cho người thu nhập thấp càng có cơ hội phát triển. Tôi kỳ vọng với tinh thần lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ sớm có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nay”, ông Hùng cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản