Nhà đầu tư ngoại đổ xô thuê đất khu công nghiệp
Thế Hoàng - 28/04/2019 08:25
 
Nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông đang tìm đến các khu công nghiệp của Việt Nam để thuê đất lập nhà xưởng sản xuất.
.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đến các Khu công nghiệp của Việt Nam để mở rộng sản xuất.

Mang vốn đến Việt Nam

Số lượng các doanh nghiệp ngoại, phần nhiều đến từ Đài Loan, Hồng Kông đang gia tăng các chuyến đi đến Việt Nam để tìm mặt bằng để mở nhà máy nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất.

Hiện một tập đoàn của Đài Loan đang đàm phán với lãnh đạo Khu công nghiệp An Phát Complex (Hải Dương) để thuê một diện tích đất khá lớn, khoảng 10 block để mở nhà xưởng chuyên về sản xuất, gia công trong lĩnh vực điện tử.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát Complex (An Phát Complex) cho biết, đã làm việc với khách hàng này. Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2019, Chủ tịch Tập đoàn này sẽ tới Việt Nam và chốt việc thuê đất tại An Phát Complex.

“Nếu thương vụ thuê đất thành công, An Phát Complex sẽ lấp đầy được trên 40% trong tổng diện tích 46 ha, với 24 block tại khu công nghiệp”, ông Tuấn nói.

Điều quan trọng, sau khi chốt được địa điểm, nhà đầu tư này sẽ mang một lượng vốn đáng kể đến Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư sản xuất hàng điện tử.

An Phát Complex là khu công nghiệp mới chỉ được hồi sinh từ giữa năm 2018, sau 10 năm bị bỏ hoang. Chỉ sau một thời gian ngắn, khu công nghiệp này đã đón một số nhà đầu tư vào thuê đất, trong đó có Leo Paper Group, tập đoàn hàng đầu của Hồng Kông chuyên sản xuất giấy đã thuê 3 nhà xưởng tại An Phát Complex với diện tích 50.000 m2.

Từng tiếp đón nhiều đoàn doanh nghiệp trong thời gian qua, đại diện An Phát Complex nhận xét: “Các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Ngoài các nhà đầu tư mới, một số doanh nghiệp FDI đã đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng sản xuất cũng tìm tới chúng tôi”.

Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, chủ đầu tư phát triển các khu công nghiệp VSIP cho biết, Dự án Khu công nghiệp VSIP 3 ở Bình Dương hiện có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như linh kiện điện tử, đồ nội thất, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, vật liệu xây dựng... đang chờ thực hiện các thủ tục thuê đất chuẩn bị đầu tư. Trong đó, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thuê đất nhiều hơn so với doanh nghiệp đến từ các nước khác.

Điểm đến lý tưởng

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong quý I/2019, Hồng Kông dẫn đầu nguồn vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam, đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư); trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn cam kết hơn 1 tỷ USD.

Trong dòng chảy của vốn FDI vào Việt Nam, Công ty Goertek quyết định rót thêm 260 triệu USD vào tỉnh Bắc Ninh để phát triển dự án thứ 2. Dự án mới của nhà đầu tư Hồng Kông này sẽ được thực hiện tại Khu công nghiệp Quế Võ, nhằm chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện.

Không kém cạnh, Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd (Trung Quốc) công bố sẽ đầu tư 214,4 triệu USD vào tỉnh Tiền Giang để thực hiện dự án sản xuất lốp xe, cao su và các sản phẩm liên quan.

Mới đây, Dự án Nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New wing của Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 110 triệu USD.

Cheng Uei và Pegatron, hai công ty Đài Loan chuyên sản xuất, cung ứng sạc, các bộ kết nối cho iPhone và smartphone Android cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam nổi lên như một ứng cử viên sáng giá.

Tổng công ty Viglacera đang vận hành 11 khu công nghiệp cũng cho biết, số lượng khách hàng là các doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông đến khảo sát tại một số khu công nghiệp ở phía Bắc như Phú Hà (Phú Thọ), Khu công nghiệp Hải Yên (Quảng Ninh)… tăng mạnh từ nửa cuối năm 2018 đến nay.

Vừa qua, Hiệp hội Công nghiệp sản xuất thông minh Đông Quản với hơn 10 doanh nghiệp đã đến Việt Nam, làm việc và tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) của Viglacera.

Nhiều công ty điện tử quốc tế có nhà máy tại Trung Quốc đang xem Việt Nam như điểm đến lý tưởng để di dời các nhà máy và các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhằm tránh thuế suất cao đánh lên các sản phẩm điện tử ở nước này.

Theo PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ, đặc biệt là thị trường công nghệ cao. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường khác để thay thế xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có thị trường gần là Việt Nam.

Đang có làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao quý I/2019 của Navigos Search mới đây khẳng định, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất.

"Nhiều dự án mới vào Việt Nam dự kiến mở rộng quy mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp...", báo cáo cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản