Nhà đầu tư Đức, Hà Lan muốn làm dự án đô thị thông minh
Hồng Sơn - 17/06/2018 20:16
 
Các doanh nghiệp đến từ Đức, Hà Lan đã hợp tác với TP.HCM và Bình Dương để triển khai các dự án xây dựng đô thị thông minh. Ngoài giải pháp, công nghệ mới, tới đây, sẽ có thêm nhiều sản phẩm được thương mại hóa.

Tập đoàn Bosch đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại

Đến nay, Tập đoàn Bosch (Đức) vẫn là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam. Riêng khoản đầu tư cho Nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), chuyên sản xuất dây đai truyền lực cho ngành sản xuất ô tô, đã có số vốn giải ngân khoảng 380 triệu USD.

.
Bosch vừa đầu tư 450.000 USD để xây dựng phòng thí nghiệm mới nhằm nghiên cứu các giải pháp hướng tới xây dựng thành phố thông minh và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho sản xuất, với tiềm lực về công nghệ và đội ngũ nhân sự trình độ cao, Bosch đã khá sốt sắng với các dự án xây dựng đô thị thông minh. Chia sẻ tại Hội nghị Internet vạn vật vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, doanh nghiệp vừa đầu tư 450.000 USD để xây dựng phòng thí nghiệm mới nhằm nghiên cứu các giải pháp hướng tới xây dựng thành phố thông minh và công nghiệp 4.0. 

Với khoảng 30 nhân sự, phòng thí nghiệm sẽ phát triển và thử nghiệm các giải pháp khác nhau như: Hệ thống Giám sát năng lượng (NILM), Hệ thống Quản lý giao thông thông minh (ITM), Hệ thống Quản lý bãi đỗ xe thông minh (IPM) và nhiều giải pháp kết nối khác. “Về lâu dài, chúng tôi định hướng xây dựng TP.HCM thành một trong những trung tâm cung cấp giải pháp Internet vạn vật (IoT) cho Bosch ở khu vực Đông Nam Á”, ông Guru Mallikarjuna nói.

Theo ông Guru Mallikarjuna, Bosch có kế hoạch tiếp tục mở rộng phòng nghiên cứu để cung cấp thêm nhiều giải pháp chuyên biệt cho thị trường Đông Nam Á. Trước đó, Bosch đã hợp tác với các trường đại học để nghiên cứu và đề xuất hệ thống xe máy điện là một giải pháp cho giao thông của đô thị thông minh tại TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng. Đến nay, sau thời gian thí điểm, Bosch đã công bố giải pháp công nghệ mới cho hệ thống này. 

Theo đó, hệ thống tích hợp cho xe máy điện của Bosch giúp kết nối xe máy điện với hệ thống lưu trữ điện toán đám mây để dễ dàng giám sát. Giải pháp này cho phép người điều khiển xe sử dụng các chức năng như khóa/mở khóa từ xa, theo dõi vị trí theo thời gian thực tế hoặc theo dõi từ xa và tất cả đều được thực hiện thông qua ứng dụng kết nối với eScooter trên điện thoại.

Đại diện của Bosch cho biết thêm, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều thiết bị, sản phẩm mới được thương mại hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh.

Hợp tác “3 nhà” với doanh nghiệp Hà Lan 

Để xây dựng đô thị thông minh, từ nhiều năm trước, TP. Eindhoven (Hà Lan) đã thực hiện mô hình “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Đây cũng là mô hình mà tỉnh Bình Dương đã chọn thông qua cái bắt tay với các doanh nghiệp của Hà Lan để triển khai thực hiện từ cuối năm 2017.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Joost Helms, Giám đốc Eindhoven Academy cho biết, sau khi ký kết hợp tác với Bình Dương, các doanh nghiệp đến từ Hà Lan đã khẩn trương làm các dự án cụ thể. Đơn cử, Tập đoàn Philips, song song với việc làm dự án lắp đặt đèn đường tại thành phố mới Bình Dương, đã xây phòng thí nghiệm cho Trường đại học quốc tế Miền Đông.

“Chúng tôi đang phối hợp với Philips để lắp đặt các thiết bị chiếu sáng thông minh kết nối với wifi và cảm ứng. Kết quả là, Philips quảng bá được các thiết bị, còn sinh viên có thể được đào tạo tốt hơn về công nghệ chiếu sáng thông minh với thiết bị tiên tiến nhất từ Philips”, ông Joost Helms nói và nhấn mạnh, đây là một dự án hoàn hảo dạy cho sinh viên cách xây dựng những ứng dụng chiếu sáng thông minh.

Ngoài Philips, nhiều doanh nghiệp đến từ Hà Lan cũng khá hào hứng với các dự án đô thị thông minh, trong đó, đáng chú ý là FabMax - chuyên tư vấn về lĩnh vực bán dẫn và NXP là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn. Theo tìm hiểu, FabMax và NXP có kế hoạch đầu tư lâu dài tại Việt Nam bằng việc phát triển nhà máy sản xuất chip ngoại vi (front-end chip) tại TP.HCM. Hai doanh nghiệp này cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi về nhà máy sản xuất chip back-end tại Bình Dương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc xây dựng thành phố thông minh là vấn đề mới tại Việt Nam. Từ cuối năm 2016, tỉnh Bình Dương đã triển khai “Đề án thành phố thông minh Bình Dương” và đã có những “trái ngọt” đầu tiên với sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong và ngoài nước như Philips, Bosch, NXP, Cisco, NIT, VNPT, Viettel, FPT ... 

“Đến nay, Bình Dương bước đầu đã hình thành khung của mô hình “3 nhà”, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có văn bản gửi tới tỉnh với mong muốn được tham gia”, ông Dũng nói. Ông cho biết, Bình Dương vừa chính thức hợp tác với Viện Công nghệ công nghiệp ITRL (Đài Loan) nhằm liên kết, cộng tác với nhau trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, trao đổi nguồn nhân lực, phát triển khu công nghiệp công nghệ khoa học và phát triển thành phố thông minh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản