Ngành xi măng trước áp lực dư cung
Thế Hải - 15/06/2018 19:03
 
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ xi măng trong nước chỉ vào khoảng 60,27 triệu tấn, tăng 1% so với 2016, xuất khẩu đạt 21 triệu tấn, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCC) cho rằng, cần thiết phải giãn tiến độ các dự án xi măng mới từ nay nđến 2025.
Quy mô công suất ngành xi măng tính đến hết năm 2017 đã xấp xỉ 100 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ hơn 60 triệu tấn. Cần thiết phải giãn đầu tư các Dự án đến 2025.
Quy mô công suất ngành xi măng tính đến hết năm 2017 đã xấp xỉ 100 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ hơn 60 triệu tấn

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đề nghị Chính phủ xem xét giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng từ nay tới 2025 để nâng cao hiệu quả kinh tế các dự án đã đầu tư và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

VNCA cho biết tính đến hết năm 2017, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ xi măng trong nước chỉ vào khoảng 60,27 triệu tấn, tăng 1% so với 2016, xuất khẩu đạt 21 triệu tấn.

Năm 2017, ngành xi măng đưa vào vận hành thêm 3 dự án mới, gồm Xi măng Long Sơn 2 (Thanh Hóa), công suất 2,3 triệu tấn/năm; Xi măng Thành Thắng (Hà Nam), công suất 2,3 triệu tấn/năm; Xi măng Xuân Thành (Hà Nam), công suất 4,5 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng triển khai đầu tư một số trạm nghiền xi măng tại các tỉnh Khánh Hòa, Hậu Giang, An Giang, Bến Tre.

VNCA cho biết theo kế hoạch trong năm 2018 sẽ có thêm nhiều dự án xi măng mới được đưa vào vận hành, như Xi măng Sông Lam giai đoạn 2 (Nghệ An), công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaitô Hà Tiên (Bình Phước), công suất 4,5 triệu tấn/năm; Xi măng Tân Thắng (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm…

Cũng theo báo cáo của VNCC, các dự án đầu tư mới đều có công suất lớn, hiện đại, thời gian triển khai nhanh và sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, tăng áp lực cạnh tranh.

Dù nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa tăng lên nhanh chóng trong những năm qua nhưng vẫn không thể tiêu thụ hết công suất của các nhà máy xi măng hiện có, buộc các doanh nghiệp xi măng phải tìm hướng xuất khẩu trong khi giá xuất khẩu không cao và nguồn cung trên toàn cầu cũng dư khoảng 230 triệu tấn.

So với các quốc gia có nền công nghiệp xi măng lớn, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam còn yếu và hiệu quả xuất khẩu chưa tương xứng với khối lượng và tỷ lệ giữa khối lượng xi măng và khối lượng clinker xuất khẩu còn thấp, xi măng Việt Nam chưa đến được các thị trường có giá bán xi măng cao.

Việc gia tăng công suất nhanh chóng, vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa và áp lực xuất khẩu quá lớn đang ảnh hưởng đến thị trường, làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Vì vậy, VNCA đã kiến nghị Chính phủ xem xét giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng từ nay tới 2025 đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản, nhiên liệu, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản