Một doanh nghiệp “mòn mỏi” chờ phê duyệt dự án Khách sạn 6 sao tại Hà Nội
Tú Ân - 26/07/2018 08:45
 
Việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khách sạn Hòa Bình 6 sao cao 30 tầng tại số 31 Kim Mã của Công ty TNHH Hòa Bình suốt nhiều năm vẫn chưa nhận được câu trả lời dứt điểm từ UBND TP.Hà Nội.

Năm 2007, Công ty TNHH Hòa Bình đã hoàn thành việc mua đất, lập dự án, đề xuất xây dựng khách sạn 6 sao kết hợp 30% làm căn hộ tái định cư tại chỗ cho cư dân khu vực 31 Kim Mã. Dự án xây dựng khách sạn, thương mại trong khu trung tâm TP.Hà Nội của Công ty Hòa Bình với mục đích hấp dẫn và đảm bảo đáp ứng phục vụ nhu cầu khách du lịch ngày càng cao trong bối cảnh TP.Hà Nội đang thiếu phòng khách sạn hạng sang, giá lại cao được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đánh giá là “hết sức cần thiết trong thời gian tới”.

Năm 2015, Công ty TNHH Hòa Bình đã có văn bản đề xuất với Quốc hội, Chính phủ đề án xây dựng 63 Trung tâm Thương mại tại 63 tỉnh thành miễn phí cho thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ, trưng bày sản phẩm với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí bán hàng, tăng cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt và thu hút khách du lịch quốc tế.

Ngày 16/7/2016, Công ty Hòa Bình đã có văn bản số 94-2016/CV-HB gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại ô đất 31 Kim Mã tạo thêm nguồn kinh phí thực hiện đề án xây dựng 63 Trung tâm thương mại miễn phí. Đến ngày 10/8/2016, Chính phủ đã có công văn số 6608/VPCP-KTN gửi UBND TP.Hà Nội chuyển đề nghị của Công ty Hòa Bình để xem xét, giải quyết.

Sau một năm làm việc với UBND TP.Hà Nội, Công ty Hòa Bình tiếp tục đề nghị TP.Hà Nội chấp thuận cho xây dựng dự án khách sạn 6 sao cao 30 tầng tại 31 Kim Mã. Ngoài nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất theo luật định, Công ty đề nghị được tặng 100 tỷ đồng cho TP.Hà Nội để xây dựng hệ thống quan trắc khí thải.

Khu đất 31 Kim Mã của Công ty TNHH Hòa Bình xin đề xuất làm Dự án khách sạn 6 sao.
Khu đất 31 Kim Mã của Công ty TNHH Hòa Bình xin đề xuất làm dự án khách sạn 6 sao.

Ngày 31/8/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.Hà Nội đã có văn bản 8528/QHKT-KHTH báo cáo về dự án 31 Kim Mã. Trong văn bản này, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.Hà Nội cho biết, chủ trương xây dựng khách sạn tại khu đất với chiều cao 25 tầng đã được Bộ Xây dựng chấp thuận tại Công văn số 1499/BXD-KTQH ngày 13/7/2007, UBND TP.Hà Nội chấp thuận tại thông báo số 258/TB-UBND ngày 10/8/2007.

“Việc nhà đầu tư đề nghị xem xem xét, chấp thuận công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp (khách sạn căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ) trong đó bố trí  một phần diện tích sàn phục vụ tái định cư cho các hộ dân giải phóng mặt bằng tại số 31 Kim Mã là cơ bản phù hợp với chủ trương của UBND TP.Hà Nội tại Thông báo số 451/TB-UBND ngày 19/10/2016”, Văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.Hà Nội cũng cho rằng “chiều cao công trình đề xuất 30 tầng là vượt quá quy định tại Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử được duyệt cũng như các quy hoạch có liên quan” và đề xuất xem xét công trình hỗn hợp cao 25 tầng (giữ nguyên như quy mô đã được Bộ Xây dựng chấp thuận trước đây).

Ngày 1/12/2017, Công ty Hòa Bình tiếp tục có công văn số 386-2017/CV-HB gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ ủng hộ việc triển khai dự án Khách sạn căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ tại 31 Kim Mã.

Và đến ngày 5/1/2018, Văn phòng Chính phủ có phiếu chuyển sô 24/PC-VPCP, chuyển công văn đề nghị của Công ty Hòa Bình về việc triển khai dự án khu khách sạn căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ tại 31 Kim Mã đến UBND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, đã hơn 6 tháng trôi qua, đến nay, Công ty Hòa Bình vẫn chưa nhận được hồi âm của UBND TP.Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Hòa Bình đã bỏ hàng trăm tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng và chờ đợi dự án được chấp thuận để triển khai dự án.

“Cùng thời điểm chúng tôi xin cấp phép xây dựng dự án khách sạn cao 30 tầng, không phát sinh thêm cư dân thì có những dự án khác phát sinh hàng chục ngàn dân đã được xây dựng với chiều cao lên tới 45 tầng như dự án ở Liễu Giai, quận Ba Đình, hay như dự án tại Giảng Võ được xem xét xây tòa chung cư cao 37-50 tầng, song dự án đề xuất cao 30 tầng của Hòa Bình vẫn đang bị "ách" lại”, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hòa Bình nêu.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Hòa Bình, kể từ khi bắt đầu lập dự án và quá trình xin điều chỉnh dự án đến nay đã hơn 11 năm. Công ty đã đầu tư rất nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng, vào dự án. Quá trình thời gian dài dự án chưa được phê duyệt khiến Công ty Hòa Bình tăng thêm gánh nặng tài chính, bỏ lỡ chi phí cơ hội, thời cơ để kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản