Môi giới bất động sản: Đủ chiêu “giăng bẫy” khách hàng
Gia Huy - 06/11/2019 10:36
 
Chào bán đất ở những khu đất công, tạo “cơn sốt” giả, “cầm đèn chạy trước… chủ đầu tư” rao bán khống dự án… là những chiêu trò mới của không ít công ty môi giới bất động sản.
.
Để tránh “sập bẫy” của dân môi giới bất động sản, người mua cần tìm những công ty uy tín và phải tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch.

“Vẽ” dự án trên đất công

Những ngày qua, trên các trang mua bán bất động sản xuất hiện những thông tin với nội dung: “bán đất mặt tiền đường, ngay Học viện Cán bộ TP.HCM”. Đơn vị chào bán là Công ty Bất động sản Lộc Phát, giá bán được đưa ra là 1,2 tỷ đồng cho diện tích 50 m2, thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường đang giao dịch tại đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, lô đất được chào bán nói trên nằm trong công viên Học viện Cán bộ TP.HCM. Tra trên hệ thống đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công ty Bất động sản Lộc Phát cũng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh. Còn Phòng Tài nguyên và Môi trường (UBND quận Bình Thạnh) thì khẳng định, đây là thông tin rao bán đất nền dự án bất hợp pháp. 

Ngoài ra, trên trang batdongsan.com.vn, Công ty Bất động sản Lộc Phát còn đăng “bán đất sổ đỏ mặt tiền Võ Văn Tần (phường 6, quận 3, TP.HCM), đối diện sân khấu kịch 5B, giá 80 triệu đồng/m2” kèm theo thông tin: “Hiện tại, Công ty đã san lấp mặt bằng và cắm cọc phân nền. Dự kiến mỗi nền 80 - 200 m2, có đường giao thông 6 m, vỉa hè 3 m, quy hoạch 1/500 của Dự án có công viên, trung tâm thương mại và đã có giấy chủ quyền cho từng nền”.

Phóng viên Báo Đầu tư tìm hiểu và được biết, quỹ đất mà Công ty Lộc Phát chào bán thực tế là đất Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Hiện dự án này đang quây tôn chờ xây dựng.

Đủ dạng chiêu trò

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng, những trường hợp nêu trên thực chất là “chiêu” dụ khách hàng để lấy thông tin của những người đang có nhu cầu mua đất, rồi chào bán đất tại dự án khác. “Công thức” chung được các công ty môi giới áp dụng là chào bán với giá rất thấp so với giá thị trường.

Hiện nay, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhất là ở phân khúc đất nền, nên một số công ty môi giới nhỏ đã nghĩ ra nhiều chiêu thức mới để chào mời khách hàng.

Còn theo ông Phan Văn Tùng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM, hiện nay, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhất là ở phân khúc đất nền, nên một số công ty môi giới nhỏ đã nghĩ ra nhiều chiêu thức mới để chào mời khách hàng. Một trong những chiêu thức này là “nhái” tên dự án của doanh nghiệp lớn. Ví dụ, tại tỉnh Đồng Nai, năm 2018, Tập đoàn Hưng Thịnh thành công với Dự án Biên Hòa New City, vậy là, Công ty CP Đầu tư Mekong Nam Á liền đặt tên cho dự án của mình là Biên Hòa New City 2.

Đáng nói là, nhiều công ty môi giới thường xuyên áp dụng chiêu tạo “cơn sốt” giả để lừa gạt khách hàng. Có những dự án vắng khách, chủ đầu tư vẫn thống kê con số bán hàng lên tới vài chục căn mỗi ngày; hoặc “dàn cảnh” giành giật nhau mua đất khiến nhiều khách hàng có nhu cầu mua thật “dính bẫy”, phải mua đất với giá cao. Một số sàn bất động sản còn để cho chính nhân viên của mình “ôm” các căn hộ đẹp, nếu khách muốn được nhượng lại, thì phải chịu tiền chênh lên đến cả trăm triệu đồng.

Ngoài ra, dân môi giới còn rao bán khống dự án, “cầm đèn chạy trước… chủ đầu tư”. Nhờ chiêu thức này, “cò” nhà đất có thể lấy được thông tin của khách hàng cũng như đo mức độ quan tâm của thị trường đối với sản phẩm để “làm giá” khi sản phẩm chính thức được tung ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, để tránh “sập bẫy” của dân môi giới bất động sản, người mua cần tìm những công ty uy tín; đặc biệt, phải tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch, tự tìm hiểu và so sánh giá cả, kết hợp tham khảo thông tin quy hoạch, giá cả từ các cơ quan quản lý nhà nước…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản