Mình nhớ nhà, căn nhà nhớ mình!
Chị ấy nhớ không khí của thành phố, của khu chung cư, của chiếc giường ngập áo pull và quần jeans - dù căn nhà đó đi thuê, thì vẫn là nỗi nhớ!

1. 

Tôi gặp lại chị bạn, sau nửa năm chị quay trở lại Đức. Bạn tôi là người Sài Gòn gốc. Chị di cư sang Đức năm 1979. Ngày đó, chị mới 21 tuổi, nhìn cuộc đời với con mắt tươi hồng.

Cuộc sống bôn ba xứ người, với các mánh khóe làm ăn, với các tính toán mưu sinh mấy chục năm đã tích lũy đủ cho chị cả tiền bạc dư dả và những kinh nghiệm cuộc đời. Hôn nhân gãy đổ, chỉ tồn tại 3 năm đầu, nhưng không vì thế mang đi sự lạc quan.

Ngồi nói chuyện với chị, lần nào cũng vậy, cười nghiêng cười ngả. Chị kể về những mối tình “có yếu tố nước ngoài”, và bất cứ ai ngồi nghe cũng không thể nào nhịn được cười. Giờ đã ở lứa tuổi mà người trẻ đã không ngần ngại gọi bằng bà, nhưng chị bạn tôi vẫn mặc váy ngắn, đi giày hiệu của Ý ton-sur-ton với áo chemise, tóc nhuộm vàng đỏ, khoác ba lô Chanel nhí nhảnh vui vẻ. Và dù ở nước ngoài nhiều năm với những va đập khắc nghiệt, điều hay nhất mà chị giữ được, đó chính là sự cả tin với đầy đủ tính cách hồn nhiên nhất của người mới vào đời.

Quay trở lại thăm bạn bè Sài Gòn lần này, bạn tôi ban đầu đặt vé tới cuối năm mới về Đức. Nhưng bữa nay ngồi café, chị nói chắc có lẽ sẽ thay đổi, sẽ chấp nhận bù thêm 200 USD để đổi vé máy bay về Đức sớm hơn. Hỏi sao lại phải về sớm, có gì bên đó chờ đợi chị đâu. Chồng không, con cái không, nhà thì đi thuê, bên đó mùa nghỉ lễ ai ai cũng quây quần với gia đình, chị về bển để làm gì cho buồn.

Chị nói, căn nhà nhớ mình. Ủa nhà thuê mà, sang năm có khi chị đã lại chuyển qua nhà khác rồi, nhà cũng chạy theo để nhớ chị sao!

Không, là nhớ lắm thiệt mà. Cái không khí quanh căn hộ chung cư ấy, chiếc giường lớn chất đầy quần áo không thèm gấp, chiếc sofa ngoài phòng khách vừa coi TV, vừa là giường ngủ, vừa là chỗ ngồi ăn. Độc thân mà, cần gì đâu phải cầu kỳ. Chị lại chủ yếu ăn chay.

Cứ ra mua đồ chế biến sẵn ngoài siêu thị rồi để tủ lạnh, tới bữa thì bỏ vô lò vi sóng hâm nóng lên, coi TV và ăn. Khỏi cần nấu nướng chi cho mệt, cho oải, cho phải dọn dẹp. Căn hộ ngập mùi đồ ăn, thì vui sướng gì. Những ngày mùa Đông tuyết rơi, nhìn qua cửa sổ, trong căn phòng bật lò sưởi ấm sực lên, cảm thấy đời mình được tận hưởng hơn nhiều người khác.

Vì thế, mà nhớ nhà lắm. Nhà cũng nhớ mình. Cần gì biết đó là nhà thuê hay nhà mua?!

2. 

Trong tư duy của người Việt, nhất định phải mua được 1 căn nhà thì mới cảm thấy yên lòng. Và đôi khi người ta còn nghĩ, có căn hộ chưa hẳn gọi là nhà. Anh bạn tôi có lần thắc mắc, sao không mua nhà dưới đất mà lại cứ thích mua căn hộ nghỉ dưỡng làm gì. Phải là nhà gắn liền với đất thì mới hợp lý chứ.

Sự đánh đồng về chất lượng sống và việc đầu tư bất động sản cũng là cách mà nhiều người mắc phải. Căn hộ view biển, view hồ để tận hưởng cuộc sống, sẽ là rất khác với căn nhà phố nhộn nhạo với tiếng còi xe, khói xe. Kiểu như món nào ăn thì ăn, món nào cúng thì cúng. Chứ đánh lận vào nhau thì còn gì là khác biệt nữa.

Còn người ta khi đi thuê nhà, thì thường phá cho điên cuồng căn nhà ấy một cách “tàn bạo” nhất vì nghĩ rằng, không phải nhà của mình. Những căn nhà nào cho thuê có con nít, khi nhận lại nhà thì “má nhìn hổng ra”. Các bức tường nham nhở những bức vẽ tùm lum, thậm chí nệm trên giường thì bị cắm đầy tăm do nằm xỉa răng xong thì cắm sâu thẳng xuống do lười đi vứt. Ít ai nâng niu căn nhà thuê như nhà mình.

Tư duy tiểu nông ấy, thì làm sao có thể phát sinh được việc nhớ, việc lãng mạn, việc tận hưởng cuộc sống. Và tất nhiên, làm sao có thể hiểu được cách mà chị bạn tôi ngồi trong lớp cửa kiếng ấm áp nhìn ra ngoài trời lạnh cóng âm dưới 10 độ, để thấy mình quả là rất hạnh phúc.

Vì thế, đi xa mà nhớ nhà lắm. Cần gì quan tâm tới việc đó là nhà của mình hay nhà thuê. Cũng giống như nhớ anh người yêu, đâu cần phải biết sang năm anh ấy không còn là người yêu mình nữa. Cứ nhớ là nhớ, vậy thôi!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản