Liên kết sàn giao dịch bất động sản liệu có bền vững?
Với khoảng gần 35.000 giao dịch thành công (tính tới cuối tháng 11/2015 theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản), nhìn chung, 2015 được xem là một năm “được mùa” của thị trường bất động sản.
Các sàn giao dịch bất động sản đều có mục tiêu và tập khách hàng riêng. Ảnh: Dũng Minh
Các sàn giao dịch bất động sản đều có mục tiêu và tập khách hàng riêng. Ảnh: Dũng Minh

Trong bối cảnh này, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã tính tới việc liên kết với nhau, thành lập các liên minh để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Vậy nhưng, liệu các mối liên kết này có bền vững?

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Hoàng Minh, Tổng thư ký Liên minh các sàn giao dịch G5 cho biết, kể từ ngày 1/7/2015, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã bãi bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn, tuy nhiên, thực tế năm vừa qua, lượng giao dịch tăng đột biến trên thị trường đã ghi nhận dấu ấn không nhỏ của các sàn giao dịch.

Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội, các sàn giao dịch như Siêu thị Dự án, G5, Ez Việt Nam, Hải Phát hay một số sàn khác đã đóng góp tới khoảng hơn 90% trong tổng số hơn 19.350 giao dịch toàn thị trường. Tại TP. HCM, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng lượng giao dịch thành công của các sàn giao dịch cũng không hề kém cạnh.

Theo ông Minh, trong năm vừa qua, các chủ đầu tư đã có chung một quan điểm đồng nhất là tập trung vào công tác hoàn thiện hạ tầng để kịp bàn giao theo đúng tiến độ cam kết với người mua nhà, còn công việc phân phối sẽ giao cho các sàn thực hiện. Điều này đã dẫn đến việc nhiều sàn phải liên kết lại với nhau để cùng san sẻ một dự án lớn, cùng chia sẻ thông tin, phần nào đảm bảo hơn công tác cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, giúp khách hàng tin tưởng hơn khi đưa ra quyết định.

Một số dự án có giao dịch tốt thông qua liên minh các sàn giao dịch có thể kể tới như Park Hill, Park Hill Premium, Goldmark City, Nghĩa Đô, Eco Green City, Five Star Garden,…

Đồng quan điểm với ông Minh, đại diện một liên minh sàn giao dịch được thành lập từ năm 2013 cho rằng, mặc dù hiện nay thị trường bất động sản đang đi theo quỹ đạo dần phục hồi, phát triển ổn định hơn, tuy nhiên, vẫn có thể phát sinh nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, xu hướng chung là nhiều sàn có quy mô nhỏ và trung bình sẽ phải tìm cách liên kết với các sàn lớn hoặc tự liên kết lại với nhau để phát triển hệ thống phân phối, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

"Lúc khó khăn thì họ cần nhau, giúp nhau để đôi bên cùng có lợi, nhưng đến thời điểm thị trường vực dậy, các bên sẽ rất nhanh chóng bộc lộ những mâu thuẫn về quyền lợi, vai trò, khiến liên minh dễ dàng tan rã".
Ông Giáp Văn Kiểm, Giám đốc STDA miền Trung

Có thể kể tên một số liên kết sàn giao dịch đã diễn ra trong năm vừa qua như Hưng Gia Land, HT Land với Hội quán; sàn THT với sàn Đại Dương; BĐS Maxland với Sàn giao dịch BĐS Hưng Gia (Hưng Gia Land); Đất Xanh Đông Á với Seareal,…

“Mục tiêu của việc liên kết là trở thành kênh phân phối dự án bất động sản hiệu quả, tăng tính thanh khoản cho chủ đầu tư; cung cấp các dữ liệu thị trường thực tế cho các cơ quan nghiên cứu. Bên cạnh đó, các liên minh cũng sẽ cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ như nghiên cứu, báo cáo thị trường bất động sản, tư vấn chiến lược sản phẩm, chiến lược tiếp thị dự án, tổ chức tiếp thị và phân phối sản phẩm dự án, giới thiệu dự án và thu hút đầu tư, thẩm định giá, đấu giá bất động sản và nhiều dịch vụ khác cho các doanh nghiệp” vị này chia sẻ.

Khá ủng hộ việc liên minh các sàn giao dịch với nhau để có sức mạnh tập thể lớn hơn, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo sự cân bằng hơn cho sân chơi môi giới bất động sản, hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong dài hạn, tuy nhiên, ông Giáp Văn Kiểm, Giám đốc Siêu thị dự án miền Trung cho rằng, việc liên kết các sàn cần phải lưu ý tới một số điều.

Đầu tiên, đó là câu chuyện về sự tồn tại lâu dài của các liên minh sàn giao dịch. Ngoại trừ G5 còn giữ được sự ổn định kể từ khi thành lập cho tới nay, còn lại đa phần các liên minh đều chết yểu chỉ sau một thời gian ngắn.

“Lúc khó khăn thì họ cần nhau, giúp nhau để đôi bên cùng có lợi, nhưng đến thời điểm thị trường vực dậy, các bên sẽ rất nhanh chóng bộc lộ những mâu thuẫn về quyền lợi, vai trò, khiến liên minh dễ dàng tan rã”, ông Kiểm cho biết.

Bên cạnh đó, mỗi sàn đều có cách làm riêng, số lượng khách hàng riêng, thậm chí cả những “tiểu xảo” bán hàng và thu hút khách mua riêng. Trong khi, hoạt động của liên minh đòi hỏi sự minh bạch và thống nhất trong việc tiếp thị, bán hàng. Điều này đôi khi khó thống nhất, đặc biệt với liên minh mới, chưa đủ uy tín để được tham gia phân phối các dự án có triển vọng. Khi đó, quyền lợi của từng sàn sẽ bị bỏ ngỏ, dẫn đến tranh chấp và có thể làm ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của khách hàng.

Theo ông Kiểm, trong thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý cần sớm lưu tâm tới việc quản lý, giám sát sự phát triển của mô hình liên kết này, tránh để các sàn giao dịch đi vào “vết xe đổ” trong quá khứ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản