Lách luật trốn thuế trong giao dịch địa ốc
Gia Huy - 13/01/2020 09:23
 
Chi cục Thuế quận 10 (TP.HCM) vừa chuyển hồ sơ sang Công an quận 10 để điều tra hành vi có dấu hiệu trốn thuế giao dịch bất động sản, bởi giá chuyển nhượng căn hộ thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường và giá được chủ đầu tư dự án bán ra ban đầu.
Tình trạng lách luật trốn thuế trong giao dịch bất động sản đang diễn ra khá phổ biến. Ảnh: G.H
Tình trạng lách luật trốn thuế trong giao dịch bất động sản đang diễn ra khá phổ biến. Ảnh: G.H

Đủ chiêu lách luật trốn thuế

Chi cục Thuế quận 10 (TP.HCM) vừa có văn bản gửi Công an quận 10 (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) để điều tra hành vi khai thấp giá trị chuyển nhượng căn hộ tại chung cư ở đường 3/2 (quận 10), nhằm trốn thuế.

Trước đó, Chi cục Thuế quận 10 đã tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (chuyển nhượng lần 2) ngày 19/11/2019 được lập tại Phòng Công chứng Mai Việt Cường.

Theo hợp đồng mua bán căn hộ, giá trị giao dịch với chủ đầu tư là hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị đã thanh toán (đợt 3) cho chủ đầu tư là hơn 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ căn hộ trên lại chuyển nhượng hợp đồng với mức giá chỉ có 1 tỷ đồng.

Chi cục Thuế quận 10 xét thấy hợp đồng giao dịch có dấu hiệu trốn thuế do hai bên đều khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá chủ đầu tư dự án bán ra năm 2017 và giá thực tế thời điểm hiện nay, nên đã quyết định chuyển hồ sơ sang Công an quận 10 để hành điều tra, làm rõ.

“Để lách luật, chủ đầu tư sẽ chọn vài người thân trong gia đình đứng tên trong hợp đồng bán sỉ, mỗi người vài chục lô với giá cực rẻ. Sau đó, những người mua sỉ này lại được chủ đầu tư bắt ký vào hợp đồng ủy quyền cho chủ đầu tư bán. Vậy là khi khách hàng bán cho khách hàng sẽ chỉ chịu mức thuế 2%, hợp đồng sẽ phải là hợp đồng ba bên giữa người mua sỉ và khách hàng với người làm chứng là doanh nghiệp chủ đầu tư và sổ đỏ từng nền lại do chủ đầu tư đứng”.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên viên tại Chi cục Thuế quận 10 cho biết, đây là hình thức trốn thuế phổ biến nhất hiện nay của dân đầu tư bất động sản. Khi mua nhà, họ làm hai hợp đồng mua bán, một bản ghi theo giá trị thực, bản còn lại giảm giá xuống hết cỡ nhằm bớt thuế chuyển nhượng.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện có khá nhiều hình thức trốn thuế khác đang được doanh nghiệp bất động sản thực hiện trong giao dịch để qua mặt ngành thuế. Đơn cử, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu thuế suất 20%, nhưng các doanh nghiệp địa ốc đang dùng "chiêu" hợp đồng ba bên để lách thuế xuống 2% theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Với chiêu này, dù khách hàng mua trực tiếp của chủ đầu tư ở những đợt mở bán đầu tiên, nhưng khi ra hợp đồng mua bán thì thủ tục lại là khách hàng mua lại sản phẩm của một cá nhân nào đó, còn chủ đầu tư chỉ là đơn vị được ủy quyền bán sản phẩm của mình.

Không những trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, mà trong hoạt động môi giới bất động sản cũng đang diễn ra tình trạng trốn thuế đáng báo động. Khi công ty môi giới trả chi phí môi giới cho nhân viên, thì nhân viên phải nộp thuế thu nhập cá nhân… Thế nhưng, nhiều sàn “lách” bằng cách cho nhân viên nhận hoa hồng trực tiếp từ khách hàng với tư cách giữa cá nhân với cá nhân (sau đó trả chi phí lại cho công ty), giúp nhân viên trốn thuế, công ty thoát trách nhiệm.

Cục thuế bắt bài

Trước tình trạng trốn thuế bất động sản hiện nay, ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, tháng 10/2019, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi các cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Theo Tổng cục Thuế, giá tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay không sát với thị trường, người nộp thuế kê khai không đúng giá thực tế chuyển nhượng. Qua kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện hiện tượng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng chưa trung thực, chưa chính xác, thì yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung và thực hiện các biện pháp quản lý thuế để chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan thuế cần thực hiện thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cứ và phối hợp với các cơ quan có chức năng điều tra theo quy định pháp luật.

Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, ảnh hưởng và những hệ lụy từ việc lách thuế là rất nặng nề cho nền kinh tế.

“Nhà nước cũng nên quy định hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, vì đây là số tiền lớn. Việc này sẽ đảm bảo sự giám sát của Nhà nước cũng như an toàn cho khách hàng. Các chứng từ thanh toán qua ngân hàng sẽ được làm chứng từ nộp thuế và cũng là bằng chứng hợp pháp khi tranh chấp ở tòa. Như vậy, các bên sẽ giám sát lẫn nhau, sẽ phải ký đúng giá thật để hạn chế rủi ro cho bản thân. Qua đó, Nhà nước cũng chống được thất thu thuế”, luật sư Phượng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản