Kinh doanh bất động sản: Người bán được hàng là người biết kể câu chuyện hay nhất
Linh Việt - 28/05/2020 08:20
 
Làm thế nào để thuyết phục khách hàng, để họ sẵn sàng xuống tiền cho những sản phẩm của mình, nhất là khi thị trường bất động sản chưa phục hồi sau dịch Covid-19?

"Để đến với khách hàng, câu chuyện với các chủ đầu tư không chỉ là làm đúng chuẩn, mà còn phải là thấu hiểu khách hàng, biết kể câu chuyện để thuyết phục khách hàng và khiến họ tin tưởng mình", ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT APEC Group chia sẻ tại Tọa đàm "Phá băng bất động sản và cơ hội bứt phá" diễn ra chiều muộn ngày 27/5/2020.

.
Với nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản, đầu tư bất động sản không chỉ đơn thuần là “bắt đáy” hoặc chạy theo xu hướng, mà phải là người đón đầu xu hướng và tiên phong.

Theo ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT APEC Group, bất động sản vốn đã khó khăn vì những thay đổi về chính sách lại thêm tác động bởi dịch Covid-19, hoạt động giao dịch đóng băng, hàng không bán được, niềm tin khách hàng sụt giảm. Câu hỏi đặt ra với không chỉ chủ đầu tư mà còn với các nhà môi giới bất động sản là, làm thế nào để tiếp cận với khách hàng, để bán được hàng khi mà những khách hàng đang có nhiều lo lắng với thị trường.

Khác với những đợt khủng hoảng trước đây, dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức với các nhà phát triển bất động sản. Các hoạt động mở bán dự án tạm dừng, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa, doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái khó chồng khó. Dù không ai đánh giá được sự ảnh hưởng đến mức độ nào và thời điểm nào mới dừng lại của dịch Covid-19, nhưng "trong nguy có cơ", dịch Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, để các nhà phát triển bất động sản phải có những nhìn nhận khác nếu muốn vượt qua và tiếp tục phát triển.

"Làm thế nào để thuyết phục khách hàng, làm thế nào để họ sẵn sàng xuống tiền cho những sản phẩm của mình?" – đó là bài toán lớn, nhưng không khó để trả lời nếu doanh nghiệp biết nhìn nhận vào tương lai, biết nhìn nhận cơ hội thị trường thực sự. Không phải khách hàng không có tiền, vấn đề ở đây là làm sao sản phẩm của mình đủ tốt, đủ hấp dẫn và những người truyền tải sản phẩm đủ hấp dẫn thì sẽ thuyết phục được họ.

Lực cầu thị trường hiện nay đủ lớn bởi nhu cầu nhà ở vẫn cao, trong khi nhiều người cũng sẵn sàng nắm giữ tài sản second-home nếu họ cảm thấy đủ khả năng và có tiềm năng trong dài hạn. Tất nhiên, hậu Covid-19, thị trường bất động sản sẽ chuyển hướng thận trọng hơn, thiết lập nhu cầu mới thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp đi qua “chiếc phễu lọc” cần một tư duy mới để bứt phá.

Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, nếu đánh giá đúng thì bất động sản Việt Nam vẫn luôn là tài sản có giá, càng bất ổn càng có giá. Tuy nhiên, tiêu chí ưu tiên khi chọn nhà của khách hàng cũng đã thay đổi. Ngôi nhà bây giờ không chỉ đơn thuần là một nơi để ở nữa, mà cao hơn, đó phải là nơi cả gia đình có thể cùng nhau trải nghiệm trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống, dù trong điều kiện bình thường hay đặc thù như dịch bệnh.

Sự biến động của nhu cầu thị trường có thể khiến doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng mặt khác nó cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn khi sự cạnh tranh sẽ làm doanh nghiệp buộc phải thay đổi mình để tạo ra được những sản phẩm giá trị, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay sẽ đòi hỏi hơn sự phối hợp giữa người tạo ra sản phẩm và người bán sản phẩm. Họ sẽ phải là người am hiểu sản phẩm kỹ càng hơn, biết kể câu chuyện một cách chân thật hơn và đi đúng hơn vào nhu cầu thực sự của khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc APEC Group cho biết, chính với tư duy làm hết mình vì khách hành, làm tất cả bằng tình yêu đối với sản phẩm, dịch vụ, APEC Group đã thuyết phục được khách hàng.

"Trong thời gian dịch Covid, APEC là một trong số ít các đơn vị vẫn bán được hàng. Đó là điều chúng tôi bất ngờ nhưng cũng không bất ngờ, bởi đó cũng là thành quả của quan điểm thấu hiểu khách hàng, biết kể câu chuyện khách hàng quan tâm mà APEC đang thực hiện", ông Huy chia sẻ.

Trong bối cảnh thị trường sắp tới, theo lãnh đạo APEC, sẽ có sự đan xen giữa khó khăn và cơ hội. Thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phục hồi sau khi kết thúc dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn sẽ quay lại thị trường và doanh nghiệp phát triển dự án sẽ tiếp tục đưa ra các chiến lược phát triển mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trong là doanh nghiệp phản ứng như thế nào cũng như làm sao để duy trì được hoạt động của mình. Mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau, phương án nào cũng cho thấy động lực để mỗi doanh nghiệp, doanh nhân bền bỉ hơn, vững chắc hơn và kiên cường hơn bao giờ hết.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, với nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản, đầu tư bất động sản không chỉ đơn thuần là “bắt đáy” hoặc chạy theo xu hướng, mà phải là người đón đầu xu hướng và tiên phong. Chính phủ đã sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhạy như các gói hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19, hoãn lùi thời gian nộp thuế, kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng chung tay khôi phục kinh tế, kích cầu thị trường. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp và các nhà môi giới cần tìm ra cách tiếp cận khách hàng tốt hơn và thay đổi hình thức bán hàng offline sang online cũng là một giải pháp đột phá của nhiều doanh nghiệp trong thời kì đại dịch diễn ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản