Khơi dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản
Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để tận dụng được cơ hội từ dòng vốn ngoại, cần phải có thêm nhiều thay đổi về cả định hướng và tư duy phát triển chung cho cả thị trường.
  bất động sản Việt Nam đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài
Bất động sản Việt Nam đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam - Khẩu vị ưa thích của vốn ngoại

Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tích lũy đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó, tổng vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 trong 17 ngành, lĩnh vực, chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Điểm đáng chú ý, kể từ năm 2015 trở lại đây, đi cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục gia tăng, thì dòng vốn giải ngân cũng tăng mạnh không kém.

Cụ thể, tính đến hết ngày 20/8/2018, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Còn tính riêng 8 tháng 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều này cho thấy sự khác biệt của dòng vốn ngoại những năm gần đây so với giai đoạn trước đó, là nhắm đến các dự án thực tế được cam kết triển khai hơn là nắm giữ để thu hút các đối tác đầu tư.

Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn tập trung khá mạnh vào dự án phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị tại Việt Nam, khi các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của một quốc gia đang trên đà phát triển với tầng lớp dân số trẻ và thu nhập đang tăng lên.

Ghi nhận thực tế cho thấy, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản trong thời gian qua đang làm xuất hiện sự cạch tranh lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoại.

Dòng vốn ngoại đang được các doanh nghiệp có truyền thống đầu tư vào thị trường Việt Nam như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land..., hay một số nhà đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp nội như Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo...

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo ba phương thức là trực tiếp triển khai dự án, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư.

Thông thường, các dự án mang yếu tố ngoại có giá bán cao hơn các dự án cùng phân khúc do doanh nghiệp trong nước phát triển, giá dịch vụ sau khi hình thành cộng đồng dân cư cũng cao hơn. 

… Và cơ hội rộng mở

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nền tảng hạ tầng xã hội hoàn thiện, trong những năm gần đây, bất động sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đa chiều, tiếp nhận nhiều loại hình sản phẩm mới bắt nhịp cùng thế giới. Đây là yếu tố tất yếu từng bước thay đổi hệ thống hạ tầng cơ sở, bắt kịp với nhịp độ tăng trưởng quốc gia.

Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng, hiện nay, dòng vốn ngoại chưa thực sự có sự phân bổ đồng đều. Dòng vốn ngoại vào ồ ạt với cường độ cao trong thời gian gần đây, nhưng khá thiên lệch về phân khúc cao cấp, khách sạn nghỉ dưỡng, trong khi chưa thúc đẩy được các phân khúc khác như chung cư bình dân phục vụ nhu cầu số đông.

Chẳng hạn, ở phân khúc nhà ở xã hội, bất động sản tầm trung, hay thời gian qua, khi chính quyền TP.HCM kêu gọi nhà đầu tư ngoại rót vốn đầu tư vào chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh, rạch, sửa chữa chung cư cũ… và đã có những cuộc tiếp xúc mời doanh nghiệp ngoại tham dự cũng như khảo sát thực tế, nhưng nhiều tháng trôi qua, nhà đầu tư ngoại vẫn không ý kiến gì trong việc sẽ rót vốn vào phát triển các dự án cấp bách này, mà chỉ ngỏ ý tìm đối tác là doanh nghiệp Việt có quỹ đất để rót vốn bắt tay cùng phát triển dự án bất động sản cao cấp.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cần phải tiếp tục xác định các vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn chung của thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo hướng phù hợp với nhu cầu thực, đồng thời tiếp tục tạo các điều kiện ưu đãi nhằm thúc đẩy hơn nữa cho các doanh nghiệp, cả ngoại lẫn nội trong việc tham gia vào việc thúc đẩy thị trường phát triển.

Trong đó, sự kiện Hội nghị Bất động sản quốc tế năm 2018 - IREC 2018 là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước cùng trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản để có cơ hội tìm được các đối tác mới, nhằm xúc tiến đầu tư trong tương lai.

Theo ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, nhìn trên tổng quan, Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư bất động sản nhờ chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh, dân số trẻ với nhu cầu sở hữu tài sản bất động sản cao...

Vì vậy, việc tham dự IREC 2018 là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận xu hướng, tạo dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình địa phương cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Hiện trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản Việt Nam là miếng bánh béo bở cả trong ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, IREC 2018 cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các dự án nghỉ dưỡng. Bởi thị trường du lịch Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.

Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế và dự kiến mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

"Du lịch Việt Nam chính là cơ hội lớn cho ngành bất động sản phát triển thăng hoa trong thời gian tới. Hiện tại, CEO đang triển khai các sản phẩm nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc tế tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về du lịch văn hoá và du lịch khám phá.

Chúng tôi hướng đến hình thành cách tổ hợp nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu cao nhất của các vị khách khó tính trong và ngoài nước", ông Trần Đạo Đức nói và cho biết thêm, với những chiến lược phát triển mạnh thương hiệu nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế tại các địa phương có tiềm năng du lịch, Tập đoàn CEO luôn tìm kiếm hợp tác tại các dự án sắp tới, mang đến những sản phẩm giá trị cao, tầm cỡ quốc tế.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Liễu, Đại sứ của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ nhận định: "Với việc đăng cai IREC 2018, tôi hy vọng, khi nhắc đến Việt Nam, người nước ngoài không chỉ nghĩ đến một đất nước chuyên sản xuất nông nghiệp, may mặc, mà hơn thế nữa, tôi muốn họ sẽ nghĩ Việt Nam là điểm đến tuyệt vời của du lịch, đầu tư bất động sản và công nghệ thông tin”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản