Khi văn hóa nhà ống "đi thang máy" lên chung cư
Chung cư là môi trường sống tập thể, cần có những ứng xử, văn hóa khác so với cuộc sống dưới đất, nhưng nhiều người chưa thích ứng với văn hóa sống này, nên những chuyện dở khóc dở cười vẫn xảy ra ở nhiều khu chung cư.

Những cư dân tùy tiện

Từng đồng lòng đấu tranh với chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, những tưởng sau khi về sinh sống, hàng ngàn hộ dân tại một chung cư trên đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ tạo thành một cộng đồng cư dân đoàn kết, lịch sự. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn sinh sống, nhiều hộ dân đã phải phát hoảng vì những cư dân thiếu ý thức.

Vứt rác bừa bãi, chó mèo vô tư vệ sinh ra hành lang dù có quy định cấm nuôi, khạc nhổ bừa bãi hay tình trạng vứt rác trong nhà vệ sinh từ tầng cao xuống dưới, lấy mũ bảo hiểm của nhau trong nhà để xe… diễn ra gần như thường xuyên. Điều đáng nói, theo chia sẻ của anh Việt, Trưởng Ban quản trị khu chung cư này, dù đã khéo léo nhắc nhở, nhưng không ít người lại tỏ ra khó chịu và có thái độ không hợp tác.

Cảm giác bất lực trước những trường hợp thiếu ý thức như vậy cũng là cảm giác chung của nhiều ban quản trị tại các chung cư, từ mini đến cao cấp. Vào các diễn đàn trên mạng, có thể dễ dàng thấy hàng trăm cuộc thảo luận về những hành vi thiếu ý thức trong nếp sống tại các chung cư được cư dân chia sẻ, nhất là về việc sử dụng thang máy.

Tại một chung cư được xếp vào hạng cao cấp ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cư dân nơi đây từng tá hỏa khi sáng sớm bước vào thang máy thấy nước tiểu. Trích xuất từ camera thì phát hiện một nam cư dân của tòa nhà đêm qua say rượu đã thản nhiên tè bậy ra thang máy, vì tưởng đó là... nhà vệ sinh.

Một lần khác, có người mẹ đón con 2 tuổi đi học về, con buồn đi vệ sinh, người mẹ đã hồn nhiên cho con đi tè luôn trong cabin thang máy, dù biết có camera giám sát.

"Chuyện thang máy trở thành nơi cho trẻ em bấm nghịch (ấn số tất cả các tầng, đứng chặn cửa chơi trốn tìm...) khiến thang cứ đóng, mở liên tục tại nhiều tầng hoặc liên tục trong trạng thái bận đã là điều gây khó chịu rồi, còn những trường hợp thiếu ý thức đến mức độ cho con tè bậy trong thang máy thì thật sự hết thuốc chữa", anh Thủy, cư dân sinh sống tại chung cư này cho biết.

Đại diện Ban quản lý của khu chung cư này cho biết, dù đã được quy định rất rõ trong các bản nội quy, quy tắc ứng xử của các khu chung cư, hay lên án trên các diễn đàn của cộng đồng cư dân, song việc xử lý những cá nhân này tương đối khó, đa phần chỉ là nhắc nhở, chứ ít trường hợp phải xử phạt vi phạm hoặc bằng hình thức khác.

"Trên diễn đàn của chung cư, nhiều người đã kêu gọi Ban quản lý phải mạnh tay bằng việc cắt điện, cắt nước, tuy nhiên, chúng tôi không thể làm việc đó, vì phí dịch vụ và tiền điện, nước, gia đình họ đóng đầy đủ cả năm", vị này chia sẻ.

Phải thích nghi với tập quán sống mới

Từng tự hào khi được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban quản trị lâm thời của một chung cư tại quận Hà Đông (Hà Nội), nhưng ông Đỗ Viết Toản nhanh chóng thất vọng, thậm chí sợ, bởi ông góp ý cái gì với cư dân cũng bị chỉ trích nặng nề.

Ông Toản cho biết, ông trở thành trung gian tiếp nhận giải quyết những mâu thuẫn giữa các cư dân và việc này  vô cùng khó khi dường như người nào cũng có thể là "giáo sư", "tiến sĩ" trong luật học với đủ các kiến thức và lý lẽ biện hộ cho vấn đề của mình. Chỉ cần ủng hộ ý kiến của một bên là bên kia phản ứng gay gắt, thậm chí mắng Trưởng ban quản trị không hiểu biết, kém năng lực.

Trước những bức xúc trên, ông Toản đã xin phép toàn thể cư dân từ nhiệm chức danh Trưởng ban quản trị lâm thời.

Là người từng lăn lộn hàng chục năm với các mô hình nhà chung cư cao tầng tại Việt Nam, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, căn cơ của những vấn đề ở chung cư cao tầng hiện nay là do lỗ hổng trong quản lý chung cư và đặc biệt là lỗ hổng về văn hóa nhận thức khi sống ở chung cư. Điều kiện để ở môi trường cộng sinh như chung cư không chỉ cần có tiền, mà cần nhiều yếu tố khác.

Theo ông Thông, ngoài tiền, chúng ta cần cung cách hành xử tối thiểu trong môi trường tập thể. Kế đó, với những người ở những vùng nông thôn lên, họ cần những bước chuyển để trở thành dân thành thị, thay vì chỉ trả tiền mua nhà. Khi và chỉ khi hiểu “luật chơi” phố thị, chúng ta mới cùng hướng về những giá trị chung, không gây những tranh cãi, phiền nhiễu như thời gian gần đây. Do đó, cần xác định vai trò nhà ở không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi để người ta sống.

Đồng quan điểm, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, doanh nghiệp chuyên quản lý vận hành tòa nhà chung cư cho rằng, sống ở các khu chung cư là sống trong một xã hội thu nhỏ, mỗi người, mỗi tính cách, mỗi quan niệm sống khác nhau và đặc biệt là có sự khác biệt về trình độ nhận thức, nên thường rất khó xử lý mỗi khi có tranh chấp. Đôi khi, từ những tranh chấp nhỏ, người này không chịu người kia, lan sang thành tranh chấp lớn, thậm chí mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng giữa các cư dân và với cả ban quản trị.

Lúc đó, vất vả nhất sẽ là những đơn vị quản lý chung cư, bởi là thân "làm dâu trăm họ", chỉ biết làm theo hợp đồng, không được can dự vào nội bộ ban quản trị của cư dân.

“Đối với những chung cư cao cấp hẳn, những cư dân này thường là những người có học thức cao, nên việc làm trung gian hòa giải tương đối dễ dàng. Còn với những cộng đồng cư dân nhận thức chưa tốt, thì việc tham gia giảng hòa sẽ chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa, làm bùng phát tranh chấp. Thế nhưng, nếu không giải quyết thì sẽ càng khổ, vì có thể đơn vị quản lý sẽ trở thành “bia đỡ đạn” để các nhóm cư dân lôi ra phản ánh, tranh chấp", ba Hương chia sẻ thêm.

Trước những thay đổi của điều kiện sống, đòi hỏi mỗi người cần phải có thay đổi, từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, phù hợp với cuộc sống chung. Có như thế, mới có thể cùng xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại tại các khu chung cư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản