Khi bất động sản 'chán' Vietbuild
- 25/11/2014 08:20
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vietbuild 2014: Bước chạy đà cho ngành xây dựng
“Trình làng” địa ốc ở Vietbuild
Vietbuild Hà Nội 2014: Bất động sản lép vế!
Vật liệu xây dựng: khổ vì sản xuất giỏi!
   
 

Nhiều DN địa ốc 'chán' Vietbuild, bởi khách hàng của hội chợ này chủ yếu quan tâm tới vật liệu xây dựng. Ảnh: Trọng Tuyến

 

Chỉ 4 doanh nghiệp địa ốc thuê gian hàng

Tại Hội chợ Vietbuild Hà Nội lần 2 năm 2014 diễn ra từ ngày 19 - 23/11, dù có quy mô 1.170 gian hàng, nhưng nhiều khách tham quan thấy bất ngờ, bởi một hội chợ được xem là của ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, lại có quá ít doanh nghiệp địa ốc tham gia.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, tại Vietbuild Hà Nội lần này chỉ có 4 doanh nghiệp địa ốc thuê 4 gian hàng. Trong 4 doanh nghiệp này, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp phía Bắc là CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), với gian hàng giới thiệu biệt thự Dự án Nam An Khánh. Ba doanh nghiệp còn lại đều đến từ phía Nam, gồm Công ty Tấc Đất Tấc Vàng với gian hàng giới thiệu đất nền Dự án IJC@VSIP tại Bình Dương; CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Thanh Yến (Thanh Yến Land) với gian hàng giới thiệu đất nền Dự án Thanh Yến Residence Bến Lức - Long Thành và căn hộ Dự án Thanh Đa View tại TP. HCM; Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng giới thiệu căn hộ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Xây dựng thường tham gia Hội chợ Vietbuild, như Tổng công ty HUD, Tổng công ty Viglacera đều không thấy xuất hiện ở hội chợ lần này. Các đơn vị phân phối lớn, chiếm 80 - 90% thị phần bán hàng tại Hà Nội, như Siêu thị dự án, Liên minh sàn G5, Liên minh sàn R9+…, cũng vắng bóng.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, tình trạng vắng bóng doanh nghiệp địa ốc tham gia Vietbuild Hà Nội không chỉ diễn ra tại kỳ hội chợ lần này, mà tại các kỳ hội chợ gần đây, số lượng đơn vị tham gia cũng rất ít. Cụ thể, tại kỳ Hội chợ Vietbuild lần 1 năm 2014 diễn ra từ ngày 26 - 30/3, trong tổng số 1.350 gian hàng, số gian hàng của doanh nghiệp địa ốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện của Công ty Tấc Đất Tấc Vàng cho biết, doanh nghiệp này tham gia Vietbuild Hà Nội chủ yếu nhằm giới thiệu đến nhà đầu tư phía Bắc cơ hội đầu tư đất nền Dự án IJC@VSIP do Becamex IJC làm chủ đầu tư.

Trong các ngày tham gia hội chợ, Tấc Đất Tấc Vàng sẽ tổ chức hội thảo để quảng bá về dự án cho những khách hàng quan tâm.

Đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng và Thanh Yến Land cũng cho biết, các doanh nghiệp này đem sản phẩm ra Hà Nội chủ yếu nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư đến nhà đầu tư phía Bắc mua sản phẩm rồi cho thuê lại. Trong khi đó, doanh nghiệp duy nhất tại Hà Nội tham gia hội chợ là Sudico lại muốn giới thiệu lại Dự án Nam An Khánh, nhằm mục đích mở bán trong thời gian tới. 

Vì sao Vietbuild bị “chê”?

Theo quan sát của phóng viên, các doanh nghiệp địa ốc thuê địa điểm tại Vietbuild Hà Nội đều đầu tư rất bài bản trong việc trang trí gian hàng, có đội ngũ nhân viên đông đảo, chuyên nghiệp. Thế nhưng, việc có quá ít doanh nghiệp địa ốc tham gia hội chợ, vị trí các gian hàng lại không tập trung, nên lĩnh vực này bị lép vế hẳn so với các gian hàng nội thất, vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản VIC, đơn vị đang tiến hành bán sản phẩm tại hàng loạt dự án tại Hà Nội cho biết, việc quảng bá bán căn hộ đối với một đơn vị phân phối là rất cần thiết, nhưng VIC muốn bán hàng theo giải pháp riêng. Doanh nghiệp không muốn tham gia hội chợ Vietbuild, vì hội chợ này có quá nhiều gian hàng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nên tạo cảm giác "hoa mắt" cho khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị từng nhiều lần tham gia Vietbuild cho biết, chi phí thuê và đầu tư vào gian hàng tại Vietbuild khá cao, trong khi Vietbuild hiện nay ngày càng có đặc thù của hội chợ vật liệu xây dựng, khách hàng chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực này, ít quan tâm đến bất động sản. Do đó, từ vài kỳ Vietbuild gần đây, Đất Xanh Miền Bắc không tham gia hội chợ này.

Cũng theo ông Quyết, đối với lĩnh vực phân phối bất động sản, việc “buôn có bạn, bán có phường” là rất quan trọng. Vì thế, thay vì tham gia Vietbuild, từ 2 năm trở lại đây, đơn vị này tham gia đầy đủ vào các phiên giao dịch bất động sản, hoặc các hội chợ chuyên về bất động sản để quảng bá, bán hàng. Bởi ở đó, khách hàng đến tham quan đều quan tâm đến bất động sản, chứ không phải là vật liệu xây dựng hay đồ nội thất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản