Khắc khoải sau ánh hào quang
- 16/12/2014 08:31
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đầu tư vào địa ốc Hà Nội: Vốn ngoại “chùn tay”!
Hà Nội loay hoay xử dự án sai phạm
'Bãi lầy' Booyoung Vina lại xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ
Dự án chung cư Booyoung Vina im lìm suốt 6 năm
Dự án Booyoung Vina - FDI Bất động sản

Động thái mới nhất tại Dự án Booyoung Vina là 2 chiếc máy ép cọc móng vào thi công với tiến độ cầm chừng.
Ảnh: Quang Hưng

Công ty TNHH Hibrand Việt Nam (Tập đoàn Inpyung, Hàn Quốc), chủ đầu tư tổ hợp Dự án Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận giảm chiều cao các tòa nhà từ 30 - 40 tầng xuống còn 23 - 27 tầng. Với quy mô vốn đầu tư đăng ký 421 triệu USD, việc giảm chiều cao các tòa nhà sẽ là thách thức lớn đối với chủ đầu tư khi phải cân đối lại chi phí và lợi nhuận.

Dù vậy, Hibrand Việt Nam cũng không có phương án nào khác, bởi sau khi khởi công một thời gian ngắn (tháng 12/2009), thị trường bất động sản rơi vào suy thoái (năm 2011). Đến đầu năm 2013, khi thị trường bất động sản thực sự bế tắc, Hibrand Việt Nam buộc phải xin UBND TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch Dự án và phải mất thêm hơn 1 năm sau đó, phương án này mới được chấp nhận.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thời điểm Dự án được điều chỉnh quy hoạch, nguồn tin từ Hibrand Việt Nam cho biết, ngay sau khi phương án quy hoạch mới được chấp thuận, chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công trở lại. Tuy nhiên, sau khi phương án điều chỉnh quy hoạch được thông qua, chủ đầu tư cũng chưa xác định được chính xác thời điểm thi công trở lại. Hiện tại, các tòa CT2A, CT2B đã thi công đến tầng 6 rồi tạm dừng từ giữa năm 2013. Trong thời gian Dự án tạm dừng, Hibrand Việt Nam chấp nhận trả lại tiền đặt cọc cho khách mua nhà và đền bù thiệt hại theo hợp đồng.

Một dự án bất động sản bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác cũng gặp muôn vàn khó khăn là Tổ hợp Căn hộ chung cư cao cấp Booyoung Vina. Dự án có số vốn đầu tư đăng ký 171 triệu USD, xây dựng trên diện tích 6,5 ha, trong quần thể Khu đô thị mới Mỗ Lao - Hà Đông - Hà Nội. Dự án được chủ đầu tư khởi công vào tháng 2/2007, nhưng đã không có hoạt động thi công đáng kể nào sau khi khởi công.

Đến năm 2010, khi Chính phủ đồng ý cho phép 244 đồ án trên địa bàn Hà Nội được phép tiếp tục triển khai, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư nộp đồ án, hồ sơ để rà soát khớp nối, nhưng Booyoung Vina là một trong 101 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng không nộp hồ sơ để rà soát khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

FDI Bất động sản: Nỗi khắc khoải sau ánh hào quang
Không phải dự án BĐS nào có vốn FDI cũng làm nên những tòa tháp chọc trời như thế này

Do không thể triển khai xây dựng theo đúng tiến độ, năm 2011, Booyoung Vina đã có văn bản đề nghị xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với nội dung xin chuyển quyền đầu tư Dự án sang cho nhà đầu tư mới là Booyoung Housing Co., Ltd (Hàn Quốc) - công ty con trực thuộc Booyoung (Hàn Quốc).

Đầu tháng 7/2011, Bộ Xây dựng có công văn phúc đáp Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội góp ý cho hồ sơ đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH một thành viên Booyoung Việt Nam.

Đến giữa năm 2013, Công ty TNHH một thành viên Booyoung Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ toàn bộ các tòa nhà CT-02, CT-03, CT-04, CT-05, CT-06, CT-07 của dự án này.

Trong công văn trả lời Công ty TNHH một thành viên Booyoung Việt Nam sau đó, Bộ Xây dựng ủng hộ và thống nhất với đề xuất điều chỉnh cơ cấu căn hộ của chủ đầu tư và đề nghị UBND TP. Hà Nội hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, đẩy nhanh tiến độ Dự án. Đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, động thái mới nhất mà chủ đầu tư dự án làm được là đưa 2 chiếc máy ép cọc móng vào thi công với tiến độ cầm chừng ở 1 trong số 6 lô đất của Dự án tại Khu đô thị Mỗ Lao.

Những dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hà Nội, như Dự án Chung cư cao cấp Hyundai Hillstate (Hà Đông), Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy)… cũng phải đối mặt với khó khăn ở nhiều cấp độ khác nhau.

Đó là, với những dự án căn hộ chung cư cao cấp sau khi điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu căn hộ việc thay đổi thiết kế, công năng sử dụng để hướng đến các đối tượng bình dân hơn là điều không dễ dàng với bài toán kinh doanh của chủ đầu tư. Với những dự án bất động như Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), sau khi hoàn thành từ nhiều năm nay, việc kinh doanh vẫn gặp trắc trở và phải trải qua nhiều lần tái cơ cấu khu vực trung tâm thương mại, nhưng vẫn chưa có kết quả như mong muốn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản