Hình mẫu nào trong xây nhà ở cho công nhân?
Hà Nguyễn - 17/08/2016 22:11
 
Thiếu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) đang là một trong những nguyên nhân chính khiến công nhân nghỉ việc. Để giữ chân được công nhân, cũng như cung cấp điều kiện đời sống tốt hơn cho họ, doanh nghiệp cần phải xây dựng những khu nhà ở lớn. Nhưng đâu mới là hình mẫu chuẩn?

Bất cứ ai lần đầu đến thăm hai tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đều không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những tòa nhà được sơn màu sặc sỡ, có khuôn viên sạch sẽ trông như những khu nhà chung cư ở một khu đô thị nào đó. Đấy là những tòa ký túc xá dành cho những nhân viên sản xuất đang làm việc tại hai tổ hợp này.

Được xây dựng với đầy đủ tiện ích và trang thiết bị nhằm đem lại cho nhân viên cảm giác thoải mái như ở nhà, khu nhà ký túc trông khác xa hoàn toàn những khu nhà tập thể, hay nhà trọ xập xệ ở các khu dân cư xung quanh. Ngoài phòng ngủ trang bị đầy đủ quạt, giường, tủ…, còn có những khu sinh hoạt chung như phòng đọc sách, phòng xem TV, phòng máy tính, thậm chí có phòng gym và phòng hát karaoke. Tháng 8 này, khu tập gym ngoài trời cũng sẽ được xây dựng tại khu ký túc xá Samsung Thái Nguyên. Tất cả đều được cung cấp miễn phí cho nhân viên, nhằm đảm bảo họ có một cuộc sống thoải mái, đầy đủ và vui vẻ cả về tinh thần lẫn vật chất sau những giờ làm việc trong nhà máy.

Khu ký túc nhiều sắc màu của Samsung Thái Nguyên.
Khu ký túc nhiều sắc màu của Samsung Thái Nguyên.

Mà không phải chỉ là một hay hai tòa nhà, thông tin từ Samsung Electronics Việt Nam cho biết, tại tổ hợp Samsung Thái Nguyên hiện có 26 tòa ký túc xá, cung cấp chỗ ở cho 16.000 nhân viên. Còn tại tổ hợp Samsung Bắc Ninh, có 8 tòa ký túc xá đã được xây dựng, cung cấp chỗ ở cho 4.200 nhân viên.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung khi đến thăm nhà máy Samsung cũng đã phải thốt lên rằng, ông thật sự cảm thấy bất ngờ về điều kiện sống tốt như vậy của những nhân viên nơi đây. Chắc chắn, hiếm có doanh nghiệp nào ở Việt Nam lại có thể xây dựng được các khu ký túc xá lớn và đầy đủ tiện nghi như vậy cho nhân viên của mình.

Một kết quả khảo sát được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho biết, phần lớn nhà ở cho người lao động trong KCN chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng, thiếu dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân Việt Nam.

Còn theo số liệu được ông Trịnh Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) công bố, hiện nay mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các KCN có nhà ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, với giá 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất lớn và ngày càng lớn khi mà Bộ Xây dựng ước tính, số công nhân làm việc tại các KCN có nhu cầu nhà ở vào năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Trong khi đó tính đến nay, mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Con số này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế.

“Đây chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất trong KCN trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao”, ông Kenichi Hashimoto, đại diện của JICA nói.

Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư các KCN và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc chuẩn bị nhà ở cho công nhân. Ví dụ như chủ đầu tư các KCN phải xây dựng nhà ở đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu của công nhân. Tuy nhiên, rất ít chủ đầu tư quan tâm tới phân khúc này, vì xây nhà ở cho công nhân đòi hỏi nguồn vốn lớn mà thời gian thu hồi lại lâu, trong khi cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước chưa được hấp dẫn.

Thực tế này đòi hỏi bản thân các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN cũng phải chủ động trong xây chỗ ở cho công nhân. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng làm điều đó.

Thông tin cho biết, tất cả các khu ký túc xá ở Thái Nguyên và Bắc Ninh của Samsung đều được xây dựng bằng chính nguồn vốn của tập đoàn này, chính quyền địa phương hỗ trợ về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để công ty hoàn tất các thủ tục cấp phép, xây dựng khu nhà ở cho nhân viên...

“Chúng tôi luôn cố gắng để tạo dựng môi trường làm việc và sinh hoạt ổn định lâu dài cho nhân viên”, ông Han Myung-sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam khẳng định. Hiện tại, Samsung Thái Nguyên cũng đã đệ trình lên chính quyền địa phương đề nghị xây dựng nhà trẻ, trường học, khu nhà ở để nhân viên yên tâm làm việc, gắn bó với Samsung nói riêng và các công ty thuộc KCN Yên Bình nói chung. Nếu vậy, thời gian tới, số lượng nhân viên của Samsung được cung cấp chỗ ở miễn phí sẽ còn tăng lên nữa, với điều kiện sống tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, em Nguyễn Thị Duyên, nhân viên của Samsung Thái Nguyên cho biết, em và các nhân viên khác rất mong có được các khu nhà ở không chỉ có đầy đủ tiện nghi, mà còn có trường học, bệnh viện… cho con em nhân viên. Chồng Duyên cũng làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên. Với thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, nếu có nhà cho công nhân để thuê ở ổn định, có nhà trẻ, trường học, thì vợ chồng Duyên sẽ yên tâm để làm việc lâu dài tại Samsung.

Quay trở lại với câu chuyện xây nhà ở cho công nhân, ông Dương Văn Hùng, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần luật hóa quy định doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phải đầu tư nhà ở cho công nhân như mô hình của Samsung. Và rằng, cần coi trường hợp của Samsung như một hình mẫu để từ đó nhân rộng sang các doanh nghiệp khác. “Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ vào khai thác nhân công một chiều mà cũng phải đáp ứng các quyền tối thiểu của công nhân”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản