GS. Phong Lê: Yêu Hà Nội vì lòng bao dung với người tứ xứ!
Nguyễn Trang - 08/02/2019 20:20
 
Từ ngàn năm nay, Hà Nội luôn có một lực hấp dẫn đặc biệt. Những người dân từ mọi miền đất nước về đây sinh sống, lập nghiệp và mang theo cả những nét văn hóa riêng, hòa nhập vào nhau, tạo nên một văn hóa Hà Nội đầy bao dung, nghĩa tình và đa màu sắc.
GS. Phong Lê: “Không phải ngẫu nhiên, người dân khắp nơi lại chọn Hà Nội làm “miền đất hứa” để mưu sinh, lập nghiệp”
GS. Phong Lê: “Không phải ngẫu nhiên, người dân khắp nơi lại chọn Hà Nội làm “miền đất hứa” để mưu sinh, lập nghiệp”

Một Hà Nội mang dáng vẻ của dân ngụ cư

“Ngót 60 năm sống ở Hà Nội, với bất cứ cộng đồng dân cư nào, tôi luôn chú ý quan sát xem mình và họ có mang được một chất lượng sống gì mới để được gọi là cư dân Hà Nội. Lạ thay, từ cơ quan, trường học, nhà ga, bệnh viện, nhà máy…, tôi chỉ thấy, nhân quần ở tất cả những nơi này đều mang dáng vẻ của dân ngụ cư. Họ ở khắp các vùng miền trên cả nước về Thủ đô lập nghiệp. Vậy dân ngụ cư và cư dân bản địa - biết thế nào để phân biệt đây?”, GS. Phong Lê tự đặt câu hỏi và cố gắng đi tìm lời giải đáp trong các tác phẩm văn học.

Là một người con xứ Nghệ, nhưng đã rời quê từ hơn 60 năm trước, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Phong Lê vẫn giữ gốc quê trong tiếng nói của ông - thứ tiếng không phải tiếng Hà Tĩnh, mà cũng chẳng phải giọng người Bắc.

Ông nghiệm ra rằng, người như ông ở Hà Nội cực kỳ đông. Ông bảo, là người Hà Tĩnh, ông cũng đem theo những chất Hà Tĩnh khi ra Hà Nội và thành phố này phải bao chứa, xử lý tất cả những điều đó. “Hà Nội đã làm thay đổi những người dân ngụ cư như tôi và chính chúng tôi cũng góp phần làm thay đổi Hà Nội”, GS. Phong Lê chia sẻ.

Nói vậy, nhưng không phải là không phân biệt được. Truyện ngắn “Khách ở quê ra” của Nguyễn Minh Châu nói về “cái bộ phận dân xứ Nghệ ra cư trú ở Hà Nội” và mang theo trọn vẹn thói quen của họ; hay trong “Sống mòn” của Nam Cao cũng là một Hà Nội lam lũ, nơi quần tụ một cộng đồng cư dân gồm người tứ xứ.

“Gần với thời hiện đại nhất là “Ngụ cư” của Thùy Dương, kể về một ngõ gồm 13 hộ, gần như tất cả đều là người ngụ cư, nhưng cũng không thể không gọi họ là người Hà Nội, với những nỗi niềm, lo toan, những ngẫm nghĩ mang đậm dấu ấn của chính cái thời hôm nay”, GS. Phong Lê liên hệ.

Nhân nói đến “Ngụ cư”, ông giải thích rằng, dường như chỉ ở Hà Nội mới có một ý niệm về ngụ cư trong ý nghĩa mới như thế. Đó là sự hòa nhập, không phân biệt, không kỳ thị, không khiến cho dân ngụ cư phải trở thành dân loại hai hoặc dưới đáy trong văn hóa làng khép kín, phải dạt sống ở bìa làng, chịu thân phận sai bảo, truyền đời làm mõ hoặc biến dạng thành Chí Phèo.

Theo nhà văn Phong Lê, cũng chỉ có Hà Nội mới là nơi hội tụ một cách bình đẳng mọi tinh hoa của nhiều nơi và cả những gì chưa phải là tinh hoa, thậm chí là đối lập trong một sự thanh lọc lớn, để làm nên một biểu tượng chung.

Sức hấp dẫn của chốn Kinh Kỳ

Từ ngàn năm nay, Hà Nội vẫn mở rộng vòng tay cho người tứ xứ và chưa bao giờ đóng cửa trước làn sóng người nhập cư đổ về. Nơi ấy như cái rốn của cả một vùng, với những cơ hội hứa hẹn, để rồi, người đó đây đổ về mỗi ngày một đông, ở lâu rồi cũng coi mình là người Hà Nội.

Nhà văn Phong Lê nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên, người dân khắp nơi lại chọn Hà Nội làm “miền đất hứa” để mưu sinh, để lập nghiệp. Bởi Hà Nội chính là trung tâm chính trị - kinh tế và cũng là trung tâm văn hóa của cả nước.

Xưa có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Quả thực, sức hấp dẫn của chốn Kinh Kỳ là rất lớn khi nơi đây hội tụ, giao thoa các đầu mối giao thông lớn, những thành phần tạo nên nền kinh tế hiện đại. Thành phố này có một hấp lực, một sự quyến rũ ghê gớm, hiền tài khắp nơi đều về đây lập nghiệp. Nói như những người dân ngụ cư, tại đây, họ thấy được những điều kiện để phát triển, những “đặt hàng” của xã hội cho họ mà những nơi khác không có.

Ở một khía cạnh khác, là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội kết tinh những tinh túy nhất về các giá trị tinh thần của dân tộc. Giới trí thức, các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan đầu não của cả nước đều quy tụ về đây.

Sự hòa nhập văn hóa

Theo thời gian, Hà Nội đã thay đổi ít nhiều, nhiều hàng cây bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng, đường xá được mở rộng… Tuy nhiên, phải chăng, dù xã hội có phát triển hay thay đổi thế nào, duy chỉ có một điều mà từ nhiều năm nay Hà Nội luôn giữ lại, đó là thành phố này luôn dang rộng vòng tay đón người dân từ tất cả vùng miền khác nhau đến sinh sống, lập nghiệp.

Dòng người đến Hà Nội nhập cư ngày một đông, mỗi người đến mang theo những nét văn hóa riêng của vùng miền, quê hương họ. Điều ngạc nhiên là, những dòng văn hóa đó không xung đột mà hòa nhập vào nhau, tạo nên một văn hóa Hà Nội đầy bao dung, nghĩa tình và đa dạng màu sắc. “Tôi yêu mến Hà Nội vì lẽ đó”, người nghệ sĩ của nghệ thuật ngôn từ trải lòng.

Những người đồng nghiệp của GS. Phong Lê, như nhà thơ Trần Chiến, luôn mang trong mình suy nghĩ: người Hà Nội gốc không có máu đồng hương, không có tính cộng đồng mạnh. Gián tiếp nói về đặc tính “không có máu đồng hương” của người Hà Nội khi khái quát về phẩm chất người Hà Nội ngày nay, GS. Phong Lê chỉ gọi đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp, không địa phương, không cục bộ.

Chính bởi lẽ đó, có một bản sắc chung của người Việt Nam và một dấu ấn riêng của Hà Nội được lịch sử để lại và được bồi đắp bởi hiện tại, đó là quy luật của sự thanh lọc và hấp thụ.

Người ngụ cư nhiều, vậy người gốc là ai? Quy luật của sự hấp thụ cái tốt và bài trừ cái xấu là quy luật thường xuyên để thanh lọc một con người hay để một vùng đất phát triển. Đó là dấu ấn không thể bỏ, không ổn định mà cũng chẳng thể bất biến. Nhờ vậy, khái niệm ngụ cư ở Hà Nội mang một ý nghĩa mới về sự hòa nhập.

Tình yêu Hà Nội làm nên những trang viết

GS. Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu bền bỉ nghiên cứu sâu về văn học Việt Nam hiện đại.

Gần 60 năm rời xa quê hương, nhưng GS. Phong Lê vẫn tự hào rằng, nếu về quê, ông vẫn nói được tiếng Hà Tĩnh, vì đó chính là quê hương nơi ông sinh ra, nơi có bàn thờ tổ tiên, gia tộc, dòng họ.

Ông từng nói, nếu không ở Hà Nội, không có những tên tuổi ông từng quý mến và ngưỡng mộ ở Hà Nội, không có thầy và bạn ở Hà Nội, không có môi trường văn hóa và bầu không khí Hà Nội, không có những đam mê và quyến rũ ở Hà Nội, thì nhất định, sẽ không có những trang viết nói hộ ông biết bao điều trong một công việc ông đã thủy chung gắn bó hơn 50 năm…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản