Giải bài toán tác động môi trường của tro xỉ nhà máy nhiệt điện than
Hoàng Minh - 17/07/2017 16:50
 
Sự hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã hóa giải những lo lắng về tác động môi trường của hàng triệu tấn tro xỉ được thải ra trong quá trình hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.
Gạch được sản xuất từ xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1. Ảnh: Thanh Hương
Gạch được sản xuất từ xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1. Ảnh: Thanh Hương

Tro xỉ đắt khách

Ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, năm 2011, khi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đưa vào hoạt động, tro xỉ là vấn đề nóng, khi mỗi năm, Nhà máy thải ra trên 1 triệu tấn tro xỉ.

“Tro xỉ được các công ty thu mua lớn để làm vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung, độ bền cao, tối đa hoá được các chi phí để tăng lợi nhuận. Thực tế trong dân gian họ đã dùng các xỉ than để làm xi măng, đóng gạch không nung từ lâu đời bởi các tro xỉ này không độc hại”, ông Nguyễn Thường Quang, Tổng giám đốc Công ty nói.

Hiện Công ty đã ký hợp đồng với 6 đối tác, bao tiêu gần như toàn bộ lượng tro, xỉ của 2 nhà máy điện.

Được biết, Công ty không đặt mục tiêu bán tro xỉ lên hàng đầu, mà vấn đề chính yếu là giải tỏa tránh ùn ứ cho bãi thải. Hiện, giá bán dao động theo thị trường và chất lượng tro xỉ, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/tấn.

Nhất quán chính sách cho loại tài nguyên mới

Ông Nam cho hay, ban đầu, Công ty bán tro xỉ tự do nên xuất hiện tình trạng tranh giành nhau. Sau đó nhà máy đưa ra chính sách bao tiêu, chỉ thu gọn lại ở những nhà thầu có năng lực. Khi xuất hiện các nhà thầu có khả năng tiêu thụ hết, tình trạng tranh mua tranh bán đã được chấm dứt.

Từ thực tế hoạt động của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, ông Nam cũng cho rằng, cần nhìn nhận tro xỉ là tài nguyên cho vật liệu xây dựng, thay vì để người dân lo sợ và nghĩ đó là chất thải nguy hại.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện cả nước đang có 20 dự án nhiệt điện than đang hoạt động, hàng năm sử dụng khoảng 45 triệu tấn than đầu vào. Đáng nói là, số lượng các nhà máy nhiệt điện than ở các địa phương khu vực phía Nam rất lớn, nếu không nhanh chóng xử lý vướng mắc này, bãi chứa tro xỉ của các nhà máy điện được thiết kế với công suất chứa 2 - 3 năm sẽ bị đầy.

"Ở phía Bắc, nhà máy nhiệt điện than đã có từ lâu đời, thị trường biết tới tro bay và có hướng sử dụng. Tuy nhiên, ở phía Nam, thị trường vẫn chưa quen với mặt hàng này. Đặc biệt, các nhà máy xi măng, làm gạch ở khu vực phía Nam phân bố không tập trung gần nhiệt điện, vì vậy, việc tiêu thụ gặp khó khăn do giá thành vận chuyển khá cao.

TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho hay, thành phần hoá học của tro xỉ là các oxit kim loại, là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng. Bởi vậy, ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện trên thế giới, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện không bị coi là chất thải, mà được xem là nguyên liệu, trong đó chủ yếu để sản xuất gạch không nung.

Để đẩy nhanh tiến trình xử lý tro xỉ từ nhiệt điện than, tai Quyết định 452/2017/QĐ - TTg, Chính phủ đã khẳng định, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm diện tích đất làm bãi chứa, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, đảm bảo phát triển bền vững.

Để nhân rộng mô hình biến tro xỉ thành tài nguyên cho ngành vật liệu xây dựng, ông Nam cũng cho rằng, cần phải quy hoạch các nhà máy xi măng, sản xuất gạch xung quanh các nhà máy nhiệt điện để tận dụng các thế mạnh phát triển bền vững. Về phía Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích về công nghệ, thuế tạo điều kiện cho mua gom xử lý tro xỉ.

“Cần coi nhiệt điện than là một tài nguyên xây dựng có thể sử dụng và khai thác rất có ích cho xã hội thay vì coi đó là các chất thải nguy hại cho cộng đồng. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, áp dụng công nghệ nhằm giảm chất cháy carbon còn lại trong tro bay để vừa tiết kiệm được than, vừa tăng chất lượng tro”, ông Quang nói.

Được biết, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng thường xuyên mở cửa đón người dân vào tham quan, giám sát hoạt động sản xuất cũng như công tác xử lý tro, xỉ của Nhà máy. Sau các chuyến tham quan, Công ty đều có biên bản họp để lập phiếu khảo sát, nhằm tổng hợp ý kiến đánh giá của người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản