Dự án xóa nhà ổ chuột ven kênh tại TP. HCM: 23 năm vẫn quanh vạch xuất phát
Gia Huy - 06/09/2016 19:39
 
Được TP.HCM triển khai từ năm 1993 nhằm giải tỏa hàng chục ngàn ngôi nhà ổ chuột tại 67 tuyến kênh trên toàn Thành phố, nhưng tới nay, Dự án Xóa nhà ổ chuột ven kênh vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn mọc thêm hàng ngàn căn nhà mới ven kênh.

Bài toán nan giải

Sau 23 năm thực hiện Dự án Xóa nhà ổ chuột ven kênh, Thành phố đã di dời, tái định cư được gần 35.600 hộ thuộc nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn 12 quận, huyện. Tuy nhiên, kết quả này chưa thấm vào đâu.

Một báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, phần lớn nhà ổ chuột trên và ven kênh rạch hiện nay trên địa bàn là xây dựng không phép hoặc trái phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn. Không những thế, nhiều hộ không có đồng hồ điện (phải câu nhờ hộ khác), không có nước sạch sinh hoạt và xả thải trực tiếp xuống kênh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Gần 20.000 căn nhà ven kênh tại TP.HCM đang chờ giải tỏa. Ảnh: G.H
Gần 20.000 căn nhà ven kênh tại TP.HCM đang chờ giải tỏa. Ảnh: G.H

Trong đó, nhiều nhất là địa bàn quận 8, với hơn 9.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh như Kênh Đôi, Tàu Hũ, Lò Gốm, Ruột Ngựa, Ông Bé... Tại quận Bình Thạnh, hệ thống rạch xuyên tâm với chiều dài là 8,2 km có hơn 1.600 hộ dân sống… Đây chỉ là số ít trong 67 tuyến kênh rạch tại Thành phố bị người dân xây nhà bên trên sinh sống.

Có mặt tại con kênh xuyên tâm thuộc quận Bình Thạnh, những ngôi nhà sát nhau mọc lên với 1/3 căn nhà nằm trên mặt nước, được gia cố bằng cọc bê tông hoặc gỗ, một phần mặt tiền nhà nằm tại đường hẻm. Những ngôi nhà này không được xây dựng bằng gạch, mà chỉ được bao bọc bởi những mảnh gỗ hoặc vải bạt.

Đặc biệt, theo tìm hiểu, dù là nhà tự phát, nhưng vẫn có cảnh mua bán nhà tự do tại đây, khiến việc thỏa thuận giá đền bù với người dân rất khó.

Tại buổi họp thường kỳ tháng 5/2016 của UBND TP.HCM, đại diện chính quyền Thành phố cho rằng, vấn đề giải tỏa, di dời cũng như tái định cư hàng ngàn hộ dân sống trên và ven kênh rạch trong khoảng thời gian sớm nhất đang đặt ra nhiều thách thức, trong khi nguồn ngân sách trong ngắn hạn không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Bài toán hơn 14.000 tỷ đồng

Thực tế, với số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM công bố là hiện có gần 20.000 căn nhà ven kênh, việc giải tỏa là không đơn giản. Tuy nhiên, nhiều kiến trúc sư và nhà quản lý đô thị cho rằng, vẫn có thể thực hiện được. Đơn cử, tại kênh Tàu Hũ - Lò Gốm ở quận 6, hay Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ quận Phú Nhuận về quận 1, Thành phố đã di dời được, thì những con kênh khác cũng có thể thực hiện được. Quan trọng là quỹ đất tái định cư, nguồn vốn thực hiện và phương án ra sao.

Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2020, TP.HCM đặt ra mục tiêu thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa gần 20.000 hộ gia đình đang sống tại các khu ổ chuột ven kênh để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập.

Tháng 5/2016, tân Bí thư Thảnh ủy TP.HCM đã có buổi thị sát tại một số con kênh có người dân sinh sống. Sau buổi “vi hành”, Bí thư Đinh La Thăng cho biết, việc di dời các hộ dân ở đây sẽ được thực hiện bằng việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các chung cư tái định cư. Chậm nhất là đến năm 2020, phải hoàn thành cả dự án tái định cư và cải thiện môi trường nước Thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, TP.HCM đang cần tìm kiếm nguồn vốn khoảng 14.000 tỷ đồng.

TS. Trần Văn Thắng, giảng viên Trường đại học Thủy Lợi cơ sở TP.HCM nhận định, để có được nguồn vốn lúc này thực sự không đơn giản với TP.HCM, bởi Thành phố đang thực hiện quá nhiều dự án trọng điểm, nên việc phân bổ vốn hết sức phức tạp, cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thậm chí là phải xin cơ chế đặc thù từ Chính phủ.

Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư - Xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, để đạt được mục tiêu trên, Thành phố phải thực hiện 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, thực hiện công tác đền bù, tái định cư cho bà con thành một dự án độc lập, với cách tiếp cận mới và không xem đây là dự án đền bù, mà là một dự án xây dựng nhà mới. Dùng cơ chế huy động xã hội hóa các nguồn lực, kêu gọi các nhà đầu tư, tạo quỹ đất và tạo quỹ nhà tái định cư cung cấp cho bà con.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, huy động, vận động nguồn vốn quốc tế và triển khai công tác thi công đồng bộ với quá trình giải tỏa. Dự kiến xếp thứ tự ưu tiên cho công tác thi công, cải tạo trên tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ nối kết chặt chẽ với tiến độ di dời các hộ dân trên bờ kênh để làm sao chúng ta thực hiện theo phương pháp cuốn chiếu để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Trung ương cho phép một số cơ chế đặc thù giúp TP.HCM có thể tự quyết định, tự phê duyệt, thẩm định các gói thầu cũng như thiết kế, dự toán của dự án để bảo đảm tiến độ đã đề ra.

Thứ ba, rút ngắn thời gian ra quyết định cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan.

Về việc vận động doanh nghiệp bất động sản cùng Thành phố thực hiện dự án trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, rất khó để kêu gọi doanh nghiệp bất động sản tham gia vì thực hiện dự án này doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận, trong khi quỹ đất của Thành phố rất hạn chế. Thêm vào đó, người dân tại đây lại không thích ở  chung cư tái định cư.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Nội Ngàn năm - đơn vị trúng thầu Dự án Di dời, cải tạo rạch xuyên tâm quận Bình Thạnh thì cho biết, thủ tục triển khai dự án hiện quá rườm rà, phức tạp. Công ty của ông trúng thầu và thực hiện việc xin thủ tục từ năm 2010, nhưng tới năm 2016 mới được UBND Thành phố trao quyết định về tiền khả thi dự án. Kéo dài như thế, không mấy chủ đầu tư đủ kiên trì chờ đợi để thực hiện”, ông Tưởng nói.

Như vậy, mục tiêu mà TP.HCM đặt ra với Dự án Xóa nhà ven kênh có thể còn kéo dài, nếu không có cơ chế và biện pháp hữu hiệu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản