Đột phá từ chuỗi đô thị trọng điểm miền Trung
Minh Phương - 02/10/2017 07:27
 
Những năm qua, các đô thị miền Trung đã chọn cho mình hướng đi riêng, bản sắc riêng biệt, kiến trúc độc đáo để tạo nên tính hiện đại mà vẫn kế thừa tính truyền thống.

Từ đô thị hạt nhân…

Duyên hải miền Trung có Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm 5 tỉnh với các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và trong tương lai có cả Nha Trang (Khánh Hòa). Theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn vùng có 86 đô thị, trong đó có 43 đô thị mới.

Quy hoạch cũng xác định các cực phát triển kinh tế - đô thị (như TP. Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, các đô thị Vạn Tường, Núi Thành), các cụm đô thị động lực (như cụm Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền; Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam - Điện Ngọc - Hội An; Núi Thành - Dốc Sỏi - Châu Ổ - Vạn Tường; TP. Quy Nhơn và phụ cận…). Trong đó, các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn là các đô thị động lực quan trọng trong vùng.

Quy hoạch và triển khai đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Quy hoạch và triển khai đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Diện mạo kiến trúc đô thị tại các thành phố này dường như đã bắt đầu bước sang trang mới.

Thời gian qua, TP. Huế luôn chọn cách đi riêng, bảo toàn đặc trưng vốn có, mà vẫn đảm bảo được sự phát triển theo yêu cầu của thực tiễn. Dù đã có một số công trình lớn mọc lên ở khu vực bờ Nam sông Hương, nhưng Huế vẫn giữ được vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, thanh bình, thơ mộng và rất “Huế”, như đô thị này vốn có.

Là trung tâm động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của Việt Nam, lại có tốc độ đô thị hóa lớn nhất trong vùng, TP. Đà Nẵng cũng có cách đi riêng với khát vọng sớm trở thành đô thị hiện đại. Chính điều đó đã tạo nên tư duy đột phá mang tính chỉ đạo trong quy hoạch, phát triển kiến trúc đô thị. Và cũng chính vì thế mà diện mạo kiến trúc đô thị được thay đổi từng ngày.

Nằm trên “con đường di sản”, rất gần 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, TP. Tam Kỳ có chức năng là đô thị động lực, cực tăng trưởng chủ đạo, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực duyên hải nhằm khai thác tiềm năng, nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Tuy TP. Tam Kỳ đổi thay có chậm hơn so với các đô thị khác trong vùng, nhưng không gian đô thị được từng bước mở rộng, có mối liên kết chặt chẽ với Khu kinh tế Chu Lai - Kỳ Hà và vùng kinh tế động lực duyên hải của tỉnh. Các khu chức năng đô thị được hoạch định rõ hơn. Mặc dù chưa có công trình kiến trúc thật tiêu biểu, nhưng diện mạo kiến trúc của Thành phố, nhất là khu trung tâm và một số tuyến đường chính, đã khang trang, bề thế hơn trước.

Từ một thị xã nghèo, TP. Quảng Ngãi đang có xu hướng vượt sông Trà Khúc lên phía Bắc, tràn về phía Đông để vươn mình ra biển lớn. Trong cấu trúc tổng thể, sông Trà Khúc là bố cục không gian chính, trở thành một trục cảnh quan quan trọng của Thành phố, đưa Quảng Ngãi từ đô thị phát triển một phía, thành đô thị hai bên sông (như Đà Nẵng với sông Hàn).

Với Bình Định, Quy Nhơn được coi như nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc đô thị cũng đã tạo được dấu ấn đổi thay theo chiều hướng tích cực. Kiến trúc công trình dịch vụ công cộng, nhà ở được chính quyền đô thị, giới chuyên môn và người dân đặc biệt quan tâm. Các công trình xây dựng tại khu trung tâm Thành phố, trên các tuyến đường chính đô thị, nhất là trên tuyến đường ven biển, đã tạo nên hình ảnh mới cho TP. Quy Nhơn.

… đến đô thị trong khu kinh tế

Từ những đô thị hạt nhân mang tính lịch sử địa hình, trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ về hình thành các đô thị trong khu kinh tế ven biển, các địa phương miền Trung đang đẩy mạnh thu hút đầu tư làm tiền đề hình thành các đô thị mang những hình mẫu, đặc trưng khác nhau, như đô thị công nghiệp, sinh thái, du lịch...

Trên bình diện vĩ mô, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm nghiên cứu - tư vấn vùng duyên hải miền Trung cho rằng, dù đã được định hướng khá rõ nét, nhưng trên thực tế, các đô thị này vẫn chưa rõ hình hài.

Điều TS. Trần Du Lịch trăn trở chính là sự liên kết giữa các địa phương. Dù nhìn nhận đã có những khởi sắc trong phối kết hợp ở một số lĩnh vực, nhưng liên kết trong quy hoạch, phát triển không gian đô thị hay xúc tiến đầu tư các tỉnh miền Trung còn nhiều điều phải bàn. Nguyên nhân, theo TS. Trần Du Lịch, là Ban Điều phối miền Trung vẫn là đơn vị tự nguyện.

“Danh chưa chính, ngôn chưa thuận”, mới chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn, nên xung đột giữa các địa phương chưa giải quyết được. Cơ quan điều phối đang kiến nghị một số vấn đề với Chính phủ để hỗ trợ liên kết các địa phương được tốt hơn”, TS. Trần Du Lịch cho biết.

Ý kiến - Nhận định

Đô thị Vạn Tường sẽ xây dựng theo mô hình thành phố công nghiệp.

- Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Quy hoạch phát triển đô thị Vạn Tường sẽ xây dựng theo mô hình thành phố công nghiệp, với cấu trúc không gian hướng biển, gắn liền với biển. Quá trình hình thành và phát triển đô thị Vạn Tường nói riêng và chuỗi đô thị trong Khu kinh tế Dung Quất nói chung rất cần thu hút dân cư, công nhân và chuyên gia đến công tác tại đô thị Vạn Tường thông qua việc thành lập Trung tâm Chính trị - Hành chính cấp huyện tại đây.

Xây dựng Chân Mây thành đô thị phát triển về cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

- Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tỉnh phải tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và từng bước hình thành đô thị Chân Mây.

Trong định hướng phát triển đến năm 2020, Đô thị mới Chân Mây có quy mô dân số 120.000 người, tổng quỹ đất xây dựng 4.000 ha, bao gồm các khu chức năng để bảo đảm xây dựng Chân Mây thành đô thị phát triển về cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội.

- Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Bình Định đã quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội trong Khu kinh tế Nhơn Hội, với tổng diện tích 600 ha, bao gồm nhiều hạng mục, tiện ích đa dạng như tổ hợp khách sạn - trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học quốc tế, trung tâm chiếu phim, vui chơi giải trí và công viên sinh thái. Trong đó, FLC Lux City là trung tâm của Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội.

Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ bao gồm nhiều khu đô thị.

- Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo quy hoạch, Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ bao gồm nhiều khu đô thị, gồm Khu đô thị Nam Hội An (huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình), Khu đô thị An Phú - Tam Phú (TP. Tam Kỳ), Khu đô thị Tam Hòa - Tam Anh (huyện Núi Thành), Khu đô thị Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản