Dòng tiền lớn đổ bộ vào địa ốc TP.HCM
Gia Huy - 12/09/2018 15:19
 
Trong 8 tháng năm 2018, TP.HCM đã đón nhận dòng vốn lớn đổ vào lĩnh vực bất động sản.

Dòng vốn tiếp tục đổ vào bất động sản

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 8 tháng qua, trên địa bàn Thành phố có 28.156 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349.969 tỷ đồng (tăng 5,8% số lượng doanh nghiệp và bằng 97,5% vốn đăng ký so cùng kỳ). Có 42.922 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, với vốn điều chỉnh bổ sung tăng 356.497 tỷ đồng. Trong đó, vốn đăng ký lớn nhất thuộc về hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 40,6%.

.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng liên tục tăng. Trong 8 tháng đầu năm, Thành phố đã cấp phép đầu tư cho 640 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 558,63 triệu USD, tăng 22,2% số dự án và bằng 70% về vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 48,2%.

Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.912 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,14 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 34,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,4 lần về vốn đầu tư). Đặc biệt, doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản.

Các giao dịch điển hình trong lĩnh vực bất động sản như Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Nhật Bản); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và Quỹ Genesis Global Capital (Singapore)...

Sức hấp dẫn của bất động sản vẫn rất lớn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản trong 8 tháng qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, Nhà nước đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, chính trị trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh.

Thứ ba, các doanh nghiệp bất động sản trong nước đang dần đứng vững trên thị trường bằng việc chủ động phát triển dòng vốn cho mình.

"Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng vững trên thị trường bất động sản trong nước. Nhiều thương hiệu đã khẳng định vị thế như An Gia, Vingroup, Him Lam, Bitexco, Đại Quang Minh, Novaland, Nam Long...", ông Châu đánh giá.

Còn ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, điểm hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại rót tiền vào bất động sản TP.HCM là mức sinh lời cao.

"Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bất động sản luôn cao nhất nước, tỷ lệ dự án mới được cấp phép cũng được cho là cao nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, biên độ lợi nhuận cao và hấp dẫn ở tất cả các phân khúc, như bất động sản cho thuê, văn phòng, khách sạn, công nghiệp… là thỏi nam châm thu hút lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào TP.HCM", ông Troy đánh giá.

Đồng quan điểm này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, hiện là thời điểm chín muồi cho các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản TP.HCM.

Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, riêng tại TP.HCM, tổng giá trị giao dịch của các dự án bất động sản trong nửa đầu năm nay đã đạt gần 1 tỷ USD, trong khi cả năm 2017 là 1,5 tỷ USD.

"Hiện tại là đỉnh cao của chu kỳ, nên các nhà đầu tư đang tận dụng thời điểm này để bước chân vào thị trường trong nước. Họ sợ nếu không đầu tư ngay trong năm nay, thì sẽ lỡ mất một nhịp", bà Dung đánh giá.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, liên kết, hợp tác với công ty Việt Nam là hình thức dễ nhất giúp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam.

Trước đà rót vốn của doanh nghiệp ngoại vào thị trường bất động sản, các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực tăng vốn đầu tư để nâng sức cạnh tranh. Việc xoay vốn đã bắt đầu đa dạng hơn, trong đó có việc đua nhau lên sàn chứng khoán.

Năm 2017, có 11 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, khá nhiều thương hiệu bất động sản có tiếng tiếp tục lên sàn, như Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup), Net Land, Văn Phú Invest, Hải Phát Invest, Đạt Phương, CenLand… Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu và tính minh bạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản