Điều kiện hành nghề môi giới BĐS: Doanh nghiệp kêu khó
Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong bối cảnh thị trường đang khởi sắc, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản đã ồ ạt tuyển dụng nhân sự.
Theo các sàn môi giới bất động sản, điều kiện về ngành nghề môi giới là không cần thiết. ảnh: Dũng Minh
Theo các sàn môi giới bất động sản, điều kiện về ngành nghề môi giới là không cần thiết. ảnh: Dũng Minh

Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư số 11, tới đây, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân sự trầm trọng.

Theo quy định tại Thông tư số 11/TT-BXD, kể từ ngày 16/2/2016, người hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ thì mới được hành nghề. Người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải theo học 1 lớp đào tạo tại các cơ sở được Bộ Xây dựng chỉ định. Sau khi có tín chỉ đào tạo do các cơ sở này cấp, người xin cấp chứng chỉ sẽ làm hồ sơ kèm tín chỉ trên tới Sở Xây dựng để xin cấp.

Quy định này, theo các nhà quản lý và một số ý kiến là nhằm làm cho thị trường minh bạnh hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Hà Nội cho rằng, quy định này thiếu tính thực tế. Thậm chí, nếu không quản lý tốt, các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý địa phương có thể lợi dụng để làm khó doanh nghiệp.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo 1 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên đường Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) cho biết, công ty ông hiện có hơn 300 nhân viên môi giới bất động sản, nhưng chỉ có khoảng hơn 30 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm chưa đến 10%.

“Khi tuyển dụng, chúng tôi cũng chú ý ưu tiên cho những người đã có chứng chỉ hành nghề, nhưng nhu cầu thị trường thì nhiều, mà người có chứng chỉ thì ít, nên cũng phải tuyển dụng, miễn là làm được việc”, vị lãnh đạo này nói và cho biết, tình trạng trên cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng tình với quan điểm trên, chủ tịch HĐQT 1 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác ở khu vực Mỹ Đình cho biết thêm, thực ra chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cũng ít có tác dụng. Bằng chứng là người mua nhà cũng không bao giờ hỏi xem môi giới đã có chứng chỉ hay chưa, mà chỉ cần tư vấn thiết thực để ra quyết định mua hay không mua.

“Trong dịp Tết vừa qua, người được thưởng cao nhất công ty chúng tôi do có doanh số bán hàng cao nhất là nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề”, ông cho biết và “bật mí” thêm, nhiều người làm rất tốt nhưng chẳng cần đến chứng chỉ hành nghề.

Minh chứng thêm cho sự không cần thiết của chứng chỉ hành nghề, giám đốc 1 công ty kinh doanh bất động sản khác đưa giấy chứng nhận hành nghề môi giới bất động sản được cấp năm 2008 của mình cho phóng viên xem và nói: “Từ ngày được cấp giấy này đến giờ chẳng bao giờ phải dùng đến, nên tôi cũng không biết là đã hết hạn từ lâu. Mà giờ cũng không biết cơ quan nào sẽ cấp đổi thẻ”.

Không phải bây giờ mới có quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, mà quy định này đã có trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2005. Sau khi Luật Kinh doanh bất động sản 2005 có hiệu lực, nhiều người đổ xô đi học trong giai đoạn 2007 - 2009. Đến nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng hơn 10.000 người được cấp thẻ hành nghề môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, do biến động của thị trường, nhiều người đã chuyển nghề, trong khi theo quy định, chứng chỉ này chỉ có thời hạn 5 năm, do đó đến nay, đa phần những giấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được cấp trong giai đoạn này đã hết hạn.

Trong khi nhiều người có chứng chỉ hành nghề trước đó đã chuyển nghề, hoặc đã hết hạn, thì thị trường lại tiếp nhận rất nhiều người mới gia nhập trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại, nhất là trong năm 2015. Do đó, số người có chứng chỉ hành nghề hiện nay rất ít.

Với quy định mới, sắp tới đây sẽ chứng kiến cảnh nhân viên môi giới các sàn ồ ạt đi học để có được chứng chỉ hành nghề nếu không muốn bị mất việc.

Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, giám đốc 1 sàn môi giới cho biết, công ty sẵn sàng cho nhân viên đi học và hỗ trợ cả kinh phí, nhưng hiện giờ vẫn chưa tìm được chỗ nào nhận đào tạo.

Một điều nữa cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc băn khoăn là làm sao để phân biệt được người có chứng chỉ với người không có chứng chỉ, hay cách nào để phân biệt được sản phẩm nào qua môi giới có chứng chỉ, sản phẩm nào thì không? Chỉ khi làm rõ được vấn đề trên thì chứng chỉ hành nghề mới có giá trị và mới góp phần làm mimh bạch thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng kiến nghị, cần lùi thời gian áp dụng của Thông tư 11 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản