Đại An hình thành khu công nghiệp kết hợp đô thị, dịch vụ
Thanh Sơn - 01/11/2020 10:39
 
Xu hướng hiện nay là mô hình KCN kết hợp đô thị-dịch vụ. Mô hình này đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN tại Việt Nam thời gian tới. KCN Đại An là một mô hình như vậy.
Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam có dự án trong KCN Đại An mở rộng đã nâng tổng vốn đầu tư của dự án đang triển khai tại Hải Dương lên 350 triệu USD. Ảnh: Thành Chung
Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam có dự án trong KCN Đại An mở rộng đã nâng tổng vốn đầu tư của dự án đang triển khai tại Hải Dương lên 350 triệu USD. Ảnh: Thành Chung

Khu đô thị công nghiệp

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị chuyển khu công nghiệp (KCN) Đại An thành đô thị công nghiệp. Sau đó, Văn phòng Chính phủ tiến hành lấy ý kiến 3 bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường về đề xuất chuyển đổi nói trên.

Việc tỉnh Hải Dương kiến nghị chuyển đổi mô hình từ khu công nghiệp sang khu đô thị công nghiệp được coi là bước hiện thực hóa ý tưởng do Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) đề xuất cho KCN Đại An từ năm 2018. Đây là một đề xuất phù hợp với xu thế phát triển của khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP, quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó quy định KCN dịch vụ đô thị gồm các khu chức năng công nghiệp và đô thị dịch vụ. Khu đô thị dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khu công nghiệp, giải quyết nhu cầu nhà ở, xây dựng công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác, nhằm bảo đảm cuộc sống của công nhân, cư dân.

Theo quy hoạch được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, thì KCN Đại An mở rộng có diện tích 416,2 ha, trong đó giai đoạn I là 189 ha, giai đoạn II gần 227,2 ha. Việc đầu tư khu đô thị dịch vụ cho KCN Đại An mở rộng là cần thiết do nhu cầu đầu tư vào khu công nghiệp này rất lớn, khi được lấp đầy 100% sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động, bên cạnh đó, số người làm dịch vụ phục vụ khoảng 40.000 người.

Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An cho biết, thực chất mô hình này không mới, xuất phát từ thực tiễn nhu cầu phát triển của nền kinh tế địa phương, của nhu cầu cấp thiết dành cho người lao động tại các KCN và đây cũng là xu hướng của sự phát triển kinh tế. Việt Nam đang đi đúng hướng và việc nhân rộng mô hình KCN kết hợp này là vô cùng cần thiết.

Mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có những tiêu chí cụ thể như quy hoạch công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng quá trình đô thị hóa. Trong đó các khu đô thị hiện đại với hệ thống tiện ích đáp ứng được nhu cầu riêng cho người lao động chất lượng cao như các chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật... đang bắt đầu hình thành và được các nhà đầu tư hướng đến.

Mô hình này chính là sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Trong đó, ngoài khu chức năng là sản xuất công nghiệp, còn có các khu chức năng khác như trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân tại các khu trung tâm thành phố vốn đã đông đúc, chật chội.

Bà Trương Tú Phương cho biết, ngay từ khi thành lập, Đại An đã chọn con đường đi cho riêng mình, đó là xây dựng một KCN và dịch vụ phụ trợ kiểu mẫu toàn diện về mọi mặt. Bền bỉ xây dựng một nền văn hóa của công ty mang bản sắc thuần Việt trong điều kiện hội nhập kinh tế với các nhà đầu tư đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang có dự án tại Đại An.

Thật vậy, với Đại An, mô hình công nghiệp kết hợp đô thị, dịch vụ không còn xa lạ khi KCN này đã dành riêng một quỹ đất để làm khu đô thị - dịch vụ phục vụ nhu cầu của chuyên gia và công nhân. Đại An không những đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào, mà còn ứng vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để kết nối đồng bộ giữa TP. Hải Dương và huyện Cẩm Giàng. Điều này vừa có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thứ cấp trong triển khai nhanh dự án sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho các xã nông thôn nằm trong khu công nghiệp. Cùng với đó, KCN phải có trách nhiệm với cộng đồng cũng như phải giữ nguyên bản sắc văn hóa thuần Việt, hội nhập để phát triển.

Như vậy, việc Hải Dương đề xuất chuyển đổi hình thức KCN nói trên, một mặt cho thấy sự thích nghi nhanh với các điều chỉnh chính sách, mặt khác là thay đổi trong tư duy làm dự án của chủ đầu tư và địa phương về loại hình bất động sản đặc thù này.

Vốn đầu tư mới và điều chỉnh vẫn tăng

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực, trong đó có thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dù vậy, tổng vốn FDI tăng thêm để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong các KCN 9 tháng qua của Hải Dương đạt kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh nói chung và KCN Đại An nói riêng. Việc tăng vốn đầu tư tại thời điểm này nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ trước, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định, nâng cao năng lực sản xuất.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 460,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 69,9% so với cùng kỳ năm trước, đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Trong đó, cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký 121,6 triệu USD (17 dự án ngoài KCN, với số vốn 71,2 triệu USD, 8 dự án trong KCN với số vốn 50,4 triệu USD). Điều chỉnh tăng vốn 338,68 triệu USD cho 35 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 472 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 8,892 tỷ USD.

Nổi bật phải kể đến Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam có dự án trong KCN Đại An mở rộng đã tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD trong tháng 9 vừa qua, nâng tổng vốn đầu tư của dự án đang triển khai tại Hải Dương lên 350 triệu USD. Lần tăng vốn này doanh nghiệp tập trung đổi mới, nâng cao công nghệ, lắp đặt hệ thống dây chuyền tiên tiến nhất để tối đa hóa năng lực sản xuất. Công ty sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm chủ yếu như cảm biến thông minh, cảm biến vi cơ điện tử và cơ cấu chấp hành thông minh.

Tiếp đến là Công ty TNHH LMS Vina (100% vốn Hàn Quốc) đã hoạt động trong KCN Đại An mở rộng được gần 3 năm. Dự án sản xuất nhôm định hình của doanh nghiệp này được Ban quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 10/2017, với vốn đầu tư trên 413,3 tỷ đồng. Đầu năm 2019, doanh nghiệp đăng ký tăng thêm gần 932 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, cuối tháng 3/2020, công ty này đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm hơn 488 tỷ đồng. Đến nay, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban quản lý các KCN tỉnh, Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến suy giảm đầu tư trong ngắn hạn, tác động tới đầu tư dài hạn, nhất là khu vực FDI. Việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu, tiêu thụ giảm, nhiều nhà đầu tư phải hạn chế mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào và tài chính. Việc các doanh nghiệp FDI tại Hải Dương tăng vốn đầu tư trong thời gian qua thật sự là một tín hiệu mừng với địa phương.

“Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, việc tăng vốn FDI trong các KCN là điểm sáng về thu hút đầu tư của Hải Dương. Kết quả này cũng thể hiện sự tin tưởng, an tâm của các doanh nghiệp FDI vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Dương nói chung và KCN Đại An nói riêng”, bà Trương Tú Phương khẳng định.

Theo Công ty cổ phần Đại An, đến hết tháng 9/2020, KCN Đại An và KCN Đại An mở rộng đã thu hút 87 dự án đầu tư thứ cấp đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 2 khu là khoảng 2,5 tỷ USD. Có 10 dự án đang chờ cấp phép xây dựng. Đến nay, KCN Đại An đã lấp đầy 95%, KCN Đại An mở rộng đã lấp đầy 85% diện tích đất công nghiệp giai đoạn I.

Hơn 42.000 người lao động và 10.000 người làm dịch vụ phục vụ KCN, trong đó khoảng 90% là người địa phương đã có cuộc sống ổn định. Hiện KCN không còn đất công nghiệp cho các dự án mới thuê, do quỹ đất công nghiệp còn lại để phục vụ cho các nhà máy trong KCN có nhu cầu mở rộng thuê.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản