Đặc khu: "Không vì thận trọng mà không làm"
Sau thời gian dài chờ đợi, Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) đã chính thức được đưa ra Quốc hội thảo luận từ ngày 23/5 trước khi dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp lần này.

Trước khi được thảo luận rộng rãi tại Nghị trường, dự luật đã thu hút sự quan tâm cao của giới đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước từ những cuộc thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, rồi sau đó là Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị đặc khu, hay Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…

Nếu theo dõi cả một quá trình hình thành Dự thảo luật, cũng như hình thành các đặc khu, có thể thấy một điều khá rõ là Ban soạn thảo luật đã tiếp thu rất nhiều ý kiến góp ý, bổ sung nhằm hoàn thiện và chỉnh sửa nhiều vấn đề trong dự thảo. Điều này dựa trên nguyên tắc là hướng tới việc tạo ra đột phá về thể chế ở mức cao nhất, trong khi vẫn đảm bảo tính minh bạch, ổn định và nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư.

Dù còn những ý kiến tranh luận khác nhau, thế nhưng có thể nói sự chậm trễ ban hành một văn bản luật dành cho đặc khu là điều không nên xảy ra vào lúc này, nhất là khi chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua.

Còn nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu ở Hòn Gai - Vũng Tàu - Côn Đảo đã là 30 năm, đến lúc này đã là chậm. Trong khi trên thế giới đã làm đặc khu thế hệ thứ 2, thứ 3 thì việc chậm trễ ban hành luật khiến Việt Nam có thể vuột mất cơ hội thu về hàng tỷ USD từ thuế và phí, bên cạnh hàng chục tỷ USD từ giá trị gia tăng do các doanh nghiệp tạo ra.

Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, để trở thành một đặc khu "siêu hạng" là một cuộc marathon lâu dài, đòi hỏi phải có sự cải cách, đổi mới liên tục không ngừng, chứ không phải đến khi luật được thông qua là xong. Không có gì bảo đảm các chính sách đưa ra hôm nay sẽ luôn phù hợp trong những năm tiếp theo, vì vậy, cũng không thể đòi hỏi một quy định hoàn thiện, bất biến mà cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Bởi nói như đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá) là “phải làm chặt chẽ, vững chắc, thận trọng, nhưng không vì thận trọng mà không làm”.

Bàn về cơ cấu nội dung của Dự luật, ông Diến cũng nhận định, “Dự thảo lần này tôi thấy đã được tiếp thu, bổ sung, sửa đổi những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau một cách nghiêm túc, thận trọng, luật được trình bày khá cụ thể và rõ ràng”.

Do đó, nói như GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới rằng, “chúng ta đã bàn lâu nhưng giờ mới chuẩn bị để lập, không phải sớm mà khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, nếu làm tốt vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh”.

Tất nhiên, theo các chuyên gia, từ các kinh nghiệm thành công và cả thất bại của các mô hình đặc khu trên thế giới, lý tưởng nhất là các đặc khu sẽ trở thành “phòng thí nghiệm thể chế” với môi trường chính sách tốt, thay vì tạo lực hấp dẫn chỉ bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế…

Ban đầu có thể là những ưu đãi về kinh tế, nhưng về lâu dài, đó phải là sự vượt trội về chính sách và một chính quyền đặc khu mạnh, có đủ thẩm quyền và đủ năng lực giải quyết các vấn đề trên địa bàn.

Ý kiến của ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO có lẽ cũng là mong muốn chung của các nhà đầu tư khi cho rằng: “Nếu các ưu đãi được lượng hóa là sức hấp dẫn ban đầu, có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư thì thể chế thông thoáng mới là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của đặc khu”. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản