Đà Nẵng thiết kế khung giá đất kích cầu thị trường
Ngọc Tân - 26/02/2020 20:29
 
So với dự thảo lần đầu được trình vào tháng 12/2019, khung giá đất mới giai đoạn 2020 - 2024 của Đà Nẵng được sửa đổi, điều chỉnh lần thứ 2 với nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, kích cầu thị trường.
.
Khung giá đất mới giai đoạn 2020 - 2024 của Đà Nẵng được sửa đổi với nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, kích cầu thị trường.

Áp dụng linh hoạt

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng vừa công bố dự thảo mới nhất về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Dự thảo lần này có những điều chỉnh so với bản dự thảo trình HĐND Thành phố cuối năm 2019.

Cụ thể, Dự thảo căn cứ theo Khung giá đất quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019. Trong đó, bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 năm, đề xuất mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng, ngang mức giá đất cao nhất đang áp dụng hiện nay.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, về cơ bản, bảng giá đất mới được trình lại dựa trên giá đất đã công bố đầu năm 2019 và cũng chỉ bằng 30 - 40% mức giá thị trường. Tuy vậy, việc áp dụng sẽ có những điểm mới linh hoạt hơn.

Trước tiên, sẽ điều chỉnh giảm 5% với đất thương mại - dịch vụ, đất sản xuất - kinh doanh, tương ứng bằng 80% và 60% so với giá đất ở. Sẽ tiến hành phân vệt, tính hệ số cụ thể từng lô đất, thay vì dùng chung một hệ số trên tuyến đường. Từ đây, các lô góc ngã ba, ngã tư sẽ không nhân hệ số 1,3 và 1,4 như cũ, mà tính theo hệ số phân vệt, với mức giá thấp hơn.

Cũng theo ông Hùng, đối với các dự án phục vụ công cộng như bãi đỗ xe, công viên, khu vui chơi giải trí…, bảng giá đất được điều chỉnh nhằm để tạo cơ chế hấp dẫn đầu tư. Cụ thể, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh được xác định bằng 20% so với giá đất sản xuất, kinh doanh cùng vị trí.

“Thay đổi bảng giá đất theo hướng có lợi cho doanh nghiệp được coi là một cơ chế để gỡ vướng, tạo điều kiện thu hút đầu tư tại khung dự thảo giá đất mới được trình lên. Hiện nay, Hội đồng Thẩm định giá của Thành phố đã thống nhất và thông qua Dự thảo, nhưng còn phải báo cáo UBND Thành phố thông qua, rồi mới trình HĐND Thành phố xem xét thông qua”, ông Hùng cho biết.

Được biết, tháng 12/2019, UBND TP. Đà Nẵng đã trình HĐND Thành phố xem xét thông qua Dự thảo về bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Khung giá đất được trình có mức giá tăng 15 - 20% so với khung giá đất hiện hành. Cụ thể, giá đất ở tối đa là 196,3 triệu đồng/m2; đất thương mại dịch vụ tại đô thị là 120 triệu đồng/m2 (hệ số điều chỉnh là 1,3).

Dự thảo này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng, giá đất mới quá cao sẽ tác động tiêu cực đến công tác thu hút đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận đất đai của người dân.

Sau đó, HĐND TP. Đà Nẵng đã hoãn thông qua Dự thảo, bởi chưa đủ cơ sở pháp lý, do tại thời điểm đó, Chính phủ chưa ban hành Khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024 để thay thế Nghị định 104/2014/NĐ-CP.

Tạo cơ hội kích cầu thị trường

Ông Lê Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Ariyana cho biết, việc phân vệt để tính giá đất từng lô, theo từng hệ số là phương pháp hợp lý.

Thay đổi bảng giá đất theo hướng có lợi cho doanh nghiệp được coi là một cơ chế để gỡ vướng, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Cũng theo ông Dũng, cách tính cũ (cùng một hệ số cho cả khu vực) là chưa phù hợp. Thực trạng này đã diễn ra ở hầu hết các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, kể cả với các khu nghỉ dưỡng có diện tích hàng chục ngàn mét vuông, nên gây khó khăn cho nhà đầu tư.

“Thông tin mới công bố cho thấy, mặc dù bảng giá đất mới theo tính toán chỉ bằng 30 - 40% so với thị trường hiện nay, nhưng đó là mặt bằng giá áp dụng cho đại bộ phận trong tính thu thuế nhà đất. Hầu hết mọi người chuyển nhượng cũng căn cứ theo giá này (dù thực tế bán cao hơn) để tính thuế nhà đất, tính thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Tính theo bảng giá này mang lợi cho người dân nhiều hơn”, ông Dũng cho biết.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Ngọc Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn R&B, đơn vị chuyên tư vấn các hoạt động về pháp lý bất động sản nhận xét, bảng giá đất theo dự thảo lần hai là hợp lý, bởi giá đất quá cao như dự thảo lần thứ nhất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Đoàn, khi bảng giá đất tăng quá cao, nhiều người dân không mặn mà với việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dễ xảy ra các giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng giao dịch ngầm. Hệ quả là, Nhà nước bị thất thu thuế, khó quản lý, trong khi dễ làm phát sinh các tranh chấp liên quan đến đất đai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản