Đà Nẵng: 238 dự án dang dở do vướng giải phóng mặt bằng
Ngọc Tân - 15/05/2018 14:04
 
Đó là báo cáo của HĐND thành phố Đà Nẵng tại Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” số thứ 3 diễn ra vào sáng 15/5. Chương trình do Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Tại cuộc họp, bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND thành phố Đà Nẵng thông tin: Thống kê sơ bộ cho thấy tại các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mới chỉ có hơn 600 hộ đã tiến hành bàn giao mặt bằng trên 17.000 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Có 238 dự án vẫn còn dang dở, trong đó có rất nhiều dự án đang rất cần mặt bằng để thi công. Và còn nhiều dự án khác thi công kéo dài nhiều năm nhưng vẫn còn sót lại 1-2 hồ sơ chưa thể giải tỏa mặt bằng.

Thành phố Đà Nẵng (Ảnh minh họa)
Thành phố Đà Nẵng (Ảnh minh họa)

Điển hình như dự án cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài, công trình bắt đầu thi công từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn 1 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng trên tổng số 763 hồ sơ đã tiến hành bàn giao mặt bằng. Hay khu Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm, Q. Cẩm Lệ, thi công từ năm 2012 nhưng đến nay tại đây vẫn còn 2 hồ sơ chưa giải tỏa mặt bằng…

Bà Linh nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong khâu giải tỏa mặt bằng tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là do công tác triển khai vận hành bộ máy làm công tác giải tỏa đền bù còn nhiều bất cập.  

“ Trong quy định của thành phố, UBND quận huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tiến độ bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Nhưng thực tế thì chính quyền UBND quận huyện chỉ đóng vai trò phối hợp nhiệm vụ chứ không chỉ đạo điều hành. Đơn vị chỉ đạo điều hành, giao nhiệm vụ cho các Chi nhánh là Trung tâm phát triển quỹ đất chứ không phải UBND quận huyện”, bà Linh chỉ rõ.

Một nguyên nhân khác khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn đó là việc Thành phố Đà Nẵng ra Quyết định 38 thay thế cho Quyết định 63 về công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng. "Quyết định mới mặc dù bám sát các quy định hiện hành tuy nhiên trong đó có nhiều điểm không lợi hơn so với Quyết định 63 nên người dân không chấp nhận. Thứ nữa là trong Quyết định mới mặc dù có quy định một số nội dung cụ thể nhưng lại không có những hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc địa phương khó triển khai thực hiện trên thực tế", bà Phan Thị Thúy Linh cho biết.

Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố Đà Nẵng đang có 3 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất tuy nhiên giữa Trung tâm và Chi nhánh có tình trạng “dàn hàng ngang” về vị trí và nhiệm vụ; quản lý lỏng lẻo cả về kỷ cương và nghiệp vụ.

Theo ông Nguyễn Nho Trung,  Phó chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ngoài những khu đất hiện nay Bộ QP chưa bàn giao cho thành phố và thành phố buộc phải chờ đợi thì những biến động của thị trường bất động sản cũng đang gây ra tâm lý cho người dân, dẫn đến khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy vậy, ông Trung cho rằng vai trò của người đứng đầu công tác giải tỏa mặt bằng hiện nay vẫn chưa thực sự sâu rộng, còn nhiều bất cập. “Việc khảo sát lấy ý kiến của người dân chúng ta cứ phát phiếu cho dân rồi dân ghi cái gì thì ghi rồi chúng ta đem về báo cáo thành phố. Chúng ta không chuẩn bị nội dung, không làm việc trước để lắng nghe ý kiến người dân, không chủ động lấy ý kiến từ cơ sở mà phải để đến khi người dân phải trực tiếp lên đến thành phố phản ánh. Trách nhiệm này này thuộc về chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng,” ông Trung nói.

Ông Nguyễn Nho Trung thông tin thêm:“Hiện nay Thành phố có 169 dự án bố trí vốn mà trong vòng 4 tháng mới chỉ có 56 dự án có hồ sơ bàn giao đất, còn hơn 110 dự án chưa bàn giao hồ sơ. Như vậy việc giải tỏa mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tiến độ giải ngân, gây lãng phí đầu tư công. Đề nghị UBND Thành phố rà soát lại cụ thể và có giải pháp căn cơ, đặc biệt là phân cấp trách nhiệm”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản