Cửa cho doanh nghiệp Việt tham gia smart city
Hữu Tuấn - 18/03/2017 14:38
 
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, thậm chí cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới để được cung cấp các gói xây dựng thành phố thông minh (smart city).

Smart city lọt “tầm ngắm” tập đoàn nước ngoài

Điểm đáng chú ý trong cuộc làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Bộ Thông tin và Truyền thông tuần qua là việc Microsoft và 3M (một tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thêm nhiều thông tin cụ thể về các dự án xây dựng và triển khai smart city tại Việt Nam.

Trước đó, Microsoft và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có sự hợp tác để triển khai dự án smart city tại TP.HCM.

Tại Hà Nội, ngày 14/3, Microsoft cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng smart city với Sở Thông tin và Truyền thông. Theo đó,  Microsoft sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng smart city như: triển khai y tế thông minh; phối hợp xây dựng thành phố an toàn và phát triển bền vững; tư vấn triển khai không gian làm việc hiện đại ứng dụng bộ công cụ Office 365; ứng dụng bộ công cụ Office 365 miễn phí cho hệ thống giáo dục trên địa bàn...

.
Các doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội trong việc cung cấp các gói xây dựng thành phố thông minh

Những động thái trên cho thấy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài khao khát tham gia vào các dự án smart city tại Việt Nam.

Hạng mục smart city là các giải pháp công nghệ tổng thể, không chỉ đòi hỏi tổng hợp các công nghệ cao, mà còn đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Và tất nhiên, chi phí cho đầu tư smart city cũng rất lớn, như tại Hà Nội, cần tới khoảng 60.000 tỷ đồng. Đó thực sự là một thương vụ lớn mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia cung cấp.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Trên thực tế, các “gói tổng thầu” xây dựng smart city chỉ có một số doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện như VNPT, Viettel, Microsoft, IBM… Tuy nhiên, trong chuỗi các hạng mục của smart city, doanh nghiệp Việt là các nhà sản xuất phần cứng, phần mềm và ứng dụng nhỏ hoàn toàn có khả năng tham gia.

Trong cuộc họp mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã “bật đèn xanh”: “Nếu chọn giữa doanh nghiệp, công ty tư vấn, chuyên gia trong nước với nước ngoài để thực hiện smart city, thì TP.HCM  sẽ ưu tiên chọn doanh nghiệp trong nước”.

Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã ký hợp tác xây dựng smart city cho 9 địa phương gồm: Phú Thọ, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Huế, Bình Phước, Hưng Yên và Đà Nẵng. Còn VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng smart city với các địa phương TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk, Khánh Hòa, Cần Thơ.

TP.HCM đã xác định một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp “đặt hàng” các vấn đề với doanh nghiệp, tập trung các lĩnh vực ưu tiên gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh xã hội.

Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT, hình thức hợp tác xây dựng smart city theo chủ trương của Chính phủ là theo các mô hình hợp tác, từ chìa khóa trao tay, thuê dịch vụ công nghệ thông tin đến hợp tác công - tư (PPP). Để triển khai smart city sẽ có thể phải áp dụng cả 3 mô hình nói trên một cách linh hoạt, tùy thuộc vào từng giai đoạn và nguồn lực của các bên. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên triển khai theo mô hình mà khả năng thu hồi vốn nhanh nhất, trong đó có PPP.

Về cơ bản, một đô thị thông minh sẽ có 8 thành phần chính cần được ứng dụng CNTT tiên tiến trong việc quản lý và vận hành. Các “tổng thầu” không thể tự mình giải quyết tất cả các vấn đề. Mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng, nguồn lực và trình độ công nghệ khác nhau, nên sẽ phải hợp tác với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, cơ hội để tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho các “tổng thầu” đang mở ra cho các doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, các ứng dụng… vấn đề là hàng ngàn doanh nghiệp Việt có sản phẩm để đáp ứng hay không.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản