Cú “sảy chân” của MIC tại Dự án 1152 - 1154 Đường Láng
Hà Quang - 12/03/2017 08:33
 
Giữ đến 69% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tân Phú Long (chủ đầu tư Dự án 1152 - 1154 Đường Láng, Hà Nội), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC) vẫn không giành được tiếng nói quyết định được cho là lý do chính khiến Dự án không thể tiến triển.
TIN LIÊN QUAN

Như Báo Đầu tư đã đưa, chủ đầu tư Dự án Twin Towers (có tên đầy đủ là Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở cho thuê và văn phòng cho thuê số 1152 - 1154 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) bị nhiều khách hàng tố cáo huy động vốn trái pháp luật. Trong khi Công ty cổ phần Tân Phú Long - chủ đầu tư tiếp tục giữ im lặng trước các kiến nghị của khách hàng thì mới đây, đại diện MIC - đơn vị nắm giữ 69% vốn điều lệ Công ty cổ phần Tân Phú Long cho biết, MIC cũng là “nạn nhân” khi không có tiếng nói quyết định.

MIC cũng chỉ là một cổ đông

Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, Công ty Tân Phú Long thành lập tháng 8/2005 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại… với cổ đông sáng lập chính là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) cùng một số pháp nhân và thể nhân khác, với số vốn điều lệ là 33 tỷ đồng.

Đến năm 2013, đã có sự thay đổi lớn về danh sách cổ đông, đặc biệt là sự xuất hiện của MIC, góp 69% vốn điều lệ của Tân Phú Long. Cuối năm 2013, Handico 6 chỉ còn chiếm 30% và Công ty Bất động sản An Cư chiếm 1% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú Long.

Sau khi mua lại cổ phần của Công ty Tân Phú Long, MIC đã kêu gọi khách hàng, đặc biệt là cán bộ, nhân viên của MIC nộp tiền mua căn hộ và khuyến khích đóng tiền vượt tiến độ để được hưởng ưu đãi về giá. Dự án đình trệ nhiều năm sau đó khiến nhiều khách hàng đòi lại vốn góp vào Dự án nhưng không thành công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Hiện, Tổng giám đốc MIC cho biết, Ban lãnh đạo MIC cũng rất “đau đầu” với Dự án này. Theo ông Hiện, cái khó của MIC là dù nắm giữ 69% vốn điều lệ của Tân Phú Long, nhưng không có quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp này. Mọi ý kiến của MIC tại Công ty Tân Phú Long đều phải được Handico 6 và Công ty Bất động sản An Cư (dù An Cư chỉ chiếm phần vốn điều lệ mang tính “tượng trưng” là 1% - PV) đồng ý.

“Trên thực tế, MIC cũng mong muốn giải quyết phần vốn góp của khách hàng vào Dự án này từ những năm trước đây, nhưng không nhận được sự đồng thuận của các cổ đông khác”, ông Hiện cho biết.

Sa chân vũng lầy

Theo Biên bản họp Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tân Phú Long ngày 14/8/2012 về việc hoàn trả tiền góp vốn mua căn hộ thuộc Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp dịch vụ công cộng nhà ở và văn phòng cho thuê tại số 1152 - 1154 Đường Láng, các thành viên HĐQT đã thống nhất hoàn lại tiền cho các khách hàng là cán bộ và người nhà cán bộ của MIC. Tuy nhiên, Lãnh đạo Công ty Tân Phú Long sau đó đã không thực hiện ý kiến của HĐQT.

Nguyên nhân của vấn đề được “hé lộ” hơn 1 năm sau đó. Tại báo cáo gửi HĐQT Công ty Tân Phú Long ngày 28/11/2013, Giám đốc Công ty Tân Phú Long khi đó là ông Phạm Văn Đông cho biết, Công ty không có tài chính để thanh toán cho khách hàng thuộc MIC. Với các khách hàng khác cũng vậy, Công ty không có tiền để trả.

“Bằng văn bản này, Giám đốc Công ty kính trình HĐQT xem xét giải quyết và tạo nguồn kinh phí để giải quyết phần vốn góp cho các hộ dân”, Giám đốc Công ty Tân Phú Long đề nghị.

Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Nguyễn Quang Hiện vẫn cho rằng, nguyên nhân của vụ việc nằm ở chỗ MIC không có quyền quyết định ở Tân Phú Long. Trả lời câu hỏi về việc tại sao MIC giữ đến 69% vốn điều lệ mà không có tiếng nói quyết định tại công ty này, ông Hiện cho biết, đây là vấn đề của Ban lãnh đạo MIC trước đây với Handico 6 và An Cư. Bản thân ông khi thực hiện nhiệm vụ tại MIC cũng không nắm được nguyên nhân thực sự.

“Số tiền Tân Phú Long đã huy động của khách hàng không lớn (hơn 7,3 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2013) nhưng để trả lại, MIC cần có sự đồng thuận của các cổ đông khác”, ông Hiện nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản