Cơ hội từ liên kết vùng
Năm 2017, lần đầu tiên phân khúc chung cư tại TP.HCM chứng kiến một hiện tượng lạ: lượng giao dịch thành công cao hơn lượng sản phẩm mở bán mới trong năm.

Điều này được các nhà quan sát thị trường lý giải rằng, đó là hệ quả của chính sách siết chặt việc cấp phép dự án tại TP.HCM khiến rất nhiều chủ đầu tư lớn tại địa phương này không thể ra mắt dự án mới. Đồng thời, tại khu vực nội đô cũng không còn nhiều lô đất sạch đủ lớn để triển khai các dự án.

Trong một diễn biến khác, phân khúc đất nền ở ngoại ô TP.HCM và các địa phương vùng ven như Long An, Đồng Nai… lên cơn sốt kéo dài từ đầu quý IV/2017 đến nay vẫn chưa hạ nhiệt.

Miêu tả sự sôi động của giao dịch đất nền tại khu vực này thời gian qua, tổng giám đốc một công ty môi giới lớn tại TP.HCM nói ngắn gọn: “Dự án mà đủ pháp lý thì ra sản phẩm nào hết ngay sản phẩm ấy”!

.
.

Hai câu chuyện trên chứng tỏ một điều rằng, xu hướng ly tâm của thị trường bất động sản TP.HCM là tất yếu và đang diễn ra trên thực tế. Trong vài năm trở lại đây, thị trường địa ốc phía Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản vùng ven, tâm điểm nhất thuộc về các khu vực giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và đang dần mở rộng xu hướng sang nhiều tiểu vùng khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước…

Nói không hề quá khi sự phát triển của thị trường bất động sàn đã trở thành “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác, tạo nên sức bật liên vùng.

Là một siêu đô thị, đến thời điểm hiện nay, dân số cơ học tại TP.HCM đã tăng lên mức trên 13 triệu dân, nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng cao. Theo thống kê, mỗi năm TP.HCM có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới kết hôn, khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố có nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, Thành phố còn có khoảng 300.000 hộ gia đình, tương ứng với hơn 1,2 triệu người nhập cư có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội và 143.000 hộ gia đình thu nhập thấp chưa có nhà ở.

Nhu cầu sở hữu nhà tăng cao, trong khi quỹ đất để phát triển dự án nhà ở của TP.HCM ngày càng hạn hẹp, dẫn đến thực trạng cầu vượt cung, cùng với yếu tố đầu cơ đã trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn đến giá bất động sản tại TP.HCM không ngừng tăng cao, khiến cho mong ước có nhà, đặc biệt là với những người thu nhập trung bình thấp ngày càng xa vời. Thực tế đó dẫn đến xu hướng không ít người làm việc ở TP.HCM, quyết định về các tỉnh giáp ranh, nơi quỹ đất còn nhiều, giá còn “mềm” để tạo lập chốn an cư.

Thêm một yếu tố nữa tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thị trường bất động sản vùng ven thời gian qua là câu chuyện phát triển hạ tầng liên vùng.

Cho đến nay, tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là các địa phương trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2017 gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Tiền Giang đã và đang có những công trình hạ tầng kết nối thuận tiện.

Có thể kể đến tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam Bộ đang được xây dựng, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn nối Bình Dương với Đồng Nai, kéo dài tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Suối Tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương), hay chủ trương xây cầu Cát Lái nối quận 2 của TP.HCM với Nhơn Trạch của Đồng Nai…

Như chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chính sự phát triển mạnh của hạ tầng đã rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các địa phương và trở thành đòn bẩy cho chiến lược phát triển của TP.HCM, là phát triển các khu đô thị vệ tinh theo tầm nhìn đô thị đa trung tâm, mang tính liên kết không gian vùng.

Khi người dân vui vẻ sống ở các địa phương vùng ven, sáng sáng nhẹ nhàng bon trên các tuyến cao tốc vào TP.HCM làm việc, thì cơ hội lớn của các chủ đầu tư bất động sản nhanh nhạy cũng sẽ “tụ” lại ở vùng ven.

Và thực tế, họ đang ráo riết chuẩn bị nền tảng để đón nhận cơ hội đó! 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản