Chỉ số giá nhà ở TP.HCM và Hà Nội: Chênh lệch do nguồn cung
Hà Quang - 02/03/2017 10:13
 
Thị trường địa ốc tại TP.HCM và Hà Nội mang sắc thái riêng, bởi theo chỉ số giá nhà mà Savills Việt Nam vừa công bố, giá nhà tại Hà Nội giảm nhẹ, trái ngược với TP.HCM.
.
Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2017, tại thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM, đã có trên 86.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh

Chỉ số dựa trên những dữ liệu thu thập được từ quý IV/2016 cho thấy, tại Hà Nội, chỉ số giá nhà ở quý IV/2016 giảm so với quý III/2016 và cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do giá thứ cấp giảm bởi sự tăng nhanh của nguồn cung mới. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường giảm nhẹ so với quý III/2016 và cùng kỳ 2015. Trong quý IV/2016, Hà Nội có 6.730 căn đã bán đến tay khách hàng, tăng 19% theo quý và 5% theo năm. Căn hộ hạng B có lượng bán lớn nhất trong 7 quý gần đây (khoảng 2.940 căn, chiếm 44% thị phần).

Tại TP.HCM, chỉ số giá nhà ở hiện đạt mức 93 điểm, tăng giảm so với quý III/2016 và cùng kỳ năm 2015, do giá trung bình cao từ những dự án mới mở bán trong năm 2016. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường tăng nhẹ so với quý III/2016 và cùng kỳ 2015. Trong quý IV/2016, Thành phố có gần 10.200 giao dịch, tăng 36% theo quý và 32% theo năm, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2010. Căn hộ hạng C tiếp tục hoạt động tốt, chiếm 49% trên tổng lượng giao dịch.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Hà Nội, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn duy trì mức ổn định, cho dù nguồn cung tương lai lớn, tập trung vào phân khúc hạng trung và nhà ở giá rẻ (tập trung ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông). Trong khi đó, thị trường căn hộ TP.HCM sẽ đón nhận một lượng lớn nguồn cung tương lai trong 2 năm sắp tới, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp. Vì vậy, chỉ số giá nhà ở được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những quý sắp tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chỉ số giá nhà ở mà Savills vừa công bố, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Maxland cho biết, số liệu phản ánh rõ tình hình giao dịch phân khúc căn hộ tại 2 thị trường bất động sản lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hà Nội với mức giá bán cao đã từng bước giảm xuống do nguồn cung mới tăng nhanh. Với thực tế này, các chủ đầu tư cần phải tính toán mức giá sơ cấp một cách hợp lý mới có thể đẩy nhanh tốc độ bán hàng.

Tại Hà Nội, đạt 104,3 điểm, giảm 1,5 điểm so với quý III/2016 và 3,9 điểm so với cùng kỳ 2015. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đạt khoảng 31%, giảm 2% theo quý và giảm 9 % theo năm.

Tại TP.HCM, chỉ số giá nhà ở mức 93 điểm, tăng 1 điểm theo quý và 3 điểm theo năm. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt khoảng 23%, tăng 4% so với quý III/2016 và 1% so với cùng kỳ 2015.

Trong khi đó, thị trường TP.HCM có sự phân hóa rõ rệt giữa 2 phân khúc nhà ở cao cấp và trung bình. Số lượng thanh khoản phần lớn nằm ở phân khúc nhà ở bình dân (chiếm 49%) là mức thanh khoản cao, trong khi một số dự án nhà ở cao cấp mở bán trong quý IV/2016 đã kéo mặt bằng chung toàn thị trường tăng nhẹ so với năm 2015.

Cũng theo ông Trần Đức Diễn, ngoài vấn đề giá, thì thanh khoản cũng sẽ là thách thức đặt ra cho các chủ đầu tư dự án nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM là số lượng lớn các dự án được đưa vào khai thác kinh doanh.

Theo số liệu được cơ quan chức năng công bố, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2017, tại thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM, đã có trên 86.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Trong đó, địa bàn TP. Hà Nội có 113 dự án với số lượng căn hộ là 54.512 căn, TP.HCM là 70 dự án với 32.420 căn hộ.

“Nguồn cung phong phú trong khi phần lớn các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành đã  buộc các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ, cũng như chất lượng xây dựng, cạnh tranh về giá bán và các hình thức khuyến mại hấp dẫn để thu hút người mua nhà”, ông Diễn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản