Chất lượng nhà tái định cư khiến người dân lo ngại
Nguyễn Dũng (VGP News) - 02/09/2018 13:34
 
Hà Nội đang chuyển mình sôi động cùng với những dự án công cộng rất lớn. TP đã có chủ trương xây dựng những khu nhà tái định cư để di dân, giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn này, tuy nhiên chất lượng các công trình tái định cư đang khiến nhiều người dân trong diện được nhận nhà rất lo ngại.

Thưa thớt người nhận nhà

Tại khu nhà tái định cư CT1 A, CT1B và CT1C của quận Bắc Từ Liêm dù đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng đến nay số lượng người nhận nhà chỉ khoảng hơn 20%, số còn lại vẫn chưa có người ở, hoặc chủ yếu cho thuê.

Người dân ở đây cho biết, do chất lượng xây dựng chung cư quá kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng… khiến nhiều người không muốn về ở. Cư dân ở đây khá bức xức với tình trạng nhiều căn hộ mới đi vào ở nhưng đã xảy ra việc thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước... Điều này khiến nhiều người thất vọng, không muốn nhận nhà.

Tương tự, tại khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện song số người dân về ở còn khiêm tốn. Trên thị trường, nhiều người đã rao bán căn hộ suất ngoại giao được giới thiệu cụ thể, với giá bán rất cao từ 29 - 30,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc của những căn tái định cư này chỉ từ 14,5-16 triệu đồng/m2.

Bà Trần Thị Thu trú tại khu tái định cư Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết: “Ở đây không có hệ thống cứu hỏa. Bây giờ chúng tôi ở đây rất sợ. Nhà xe bị hàng quán gửi vào nhiều dẫn đến khả năng cháy nổ cao. Bây giờ lỡ có vấn đề gì xảy ra, chúng tôi chẳng biết giải quyết như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được”.

Thực trạng nhà tái định cư bị hư hỏng, xuống cấp kéo dài mà không được sửa chữa không chỉ xảy ra ở khu tái định cư Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân), mà diễn ra ở hầu khắp các khu tái định cư trên địa bàn thành phố như Đồng Tầu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)...

Như khu tái định cư Đền Lừ là hiện tượng sụt lún, nứt nẻ tại tầng 1, tòa A1, buộc người dân dù cần nhận nhà để ổn định cuộc sống nhưng vẫn không dám “mạo hiểm” với hiện trạng công trình này. Tương tự tại khu tái định cư Đồng Tầu, quận Hoàng Mai cũng là tình trạng sụt lún, hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường...

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.

Danh sách những căn hộ tái định cư “ế ẩm” bao gồm 44 hộ ở nhà N01 – 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 – 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 Ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức được đăng tải (13/8/2018), những hộ dân có tên trong danh sách vẫn không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cần “thị trường hóa” nhà tái định cư

Từ tháng 10/2017, dư luận xôn xao trước thông tin Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) phải đề xuất Thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng bởi xây dựng xong cách đây hơn 10 năm nhưng các hộ dân không đồng ý việc nhận tái định cư bằng căn hộ mà phải là đất nền. Kết quả, cả 3 tòa đều bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.

Trả lời câu hỏi, vì sao những hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng tại các khu chung cư tái định cư trên địa bàn Thành phố không được kịp thời sửa chữa, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà tái định cư) cho rằng, những tồn tại đó bắt nguồn từ chính sách đến thực tế. Hơn nữa, nhiều hạng mục không nằm trong danh sách được hỗ trợ, sửa chữa theo Nghị định 99 của Chính phủ.

Ông Cao Đức Đại, Phó Tổng giám đốc phụ trách, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói: “Công ty có trách nhiệm tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân kèm theo dự toán để báo cáo Sở xây dựng xem xét quyết định. Sở giao công ty có hỗ trợ hay không, thực hiện như thế nào thì phải chờ ý kiến cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều hạng mục cần sửa chữa vượt quá thẩm quyền của công ty”.

Bán nhà tìm nơi ở mới không phải là sự lựa chọn dễ dàng đối với các cư dân tái định cư vốn có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng đổi lại, những người dân trong diện nhận nhà tái định cư sẽ không còn bất an như phải sống trong những ngôi nhà sụt lún, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 166 tòa nhà tái định cư với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành và có gần 1.000 căn hộ đang bị bỏ trống.

Thực tế cho thấy việc quản lý, sử dụng và vận hành nhà tái định cư luôn tồn tại những bất cập như tình trạng sụn lún, hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy, chữa cháy có cũng như không, nhiều căn hộ, diện tích tầng 1 bị sang nhượng, sử dụng trái quy định…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phân tích, theo quy định của pháp luật là phải có nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển người dân để giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu làm trước được các khu nhà ở cho người dân là tốt. “Tuy nhiên, lý do khiến nhà tái định cư bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của những người giải phóng mặt bằng”, ông Hà nhấn mạnh.

Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở”, ông Hà phân tích.

Vì thế theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cần thực hiện theo Luật Nhà ở, dần dần tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.

“Hiện nay vẫn cứ “hàng đổi hàng” nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào… thế thì không ai có thể ở được. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay”, ông Hà nói.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân. Số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản