Bộ Xây dựng họp bàn về quản lý xây dựng, chỉnh trang đô thị TP. HCM
Gia Huy - 07/10/2016 11:35
 
Sáng 7/10, tại TP. HCM. Bộ Xây dựng kết hợp cùng UBND TP. HCM tổ chức Hội thảo “Quản lý xây dựng, phát triển đô thị TP. HCM”. Tại hội nghị, những vấn đề tồn tại trong quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị tại TP.HCM đã được các chuyên gia về quy hoạch và xây dựng đưa ra bàn luận.
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh Gia Huy
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đô thị hóa là quá trình lịch sử tất yếu khách quan, TP. HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa lớn của cả nước và cũng là thành phố đi đầu trong đô thị hóa của cả nước.

Công tác phát triển đô thị của thành phố được coi như một hướng then chốt để phát triển thành phố, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển đô thị hóa, với tư duy mạnh về quy hoạch đô thị. Nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại đã được quan tâm nâng cấp phát triển từng bước, tốc độ đô thị hóa của TP. HCM là cao nhất cả nước. Nhiều con kênh rạch được cho là kênh chết được xây dựng hồi sinh và hình thành tuyến đường mới đã làm cho bộ mặt đô thị của TP. HCM trở nên hiện đại, đời sống người dân được cải thiện đáng kể...

“Những thành tựu đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của lãnh đạo TP. HCM trong nhiều nhiệm kỳ. Trong 7 chương trình đột phá của TP. HCM đưa ra Đại hội X của thành phố có phần chỉnh trang và đô thị, Bộ Xây dựng cùng Chính phủ cũng đã đồng ý khuyến khích thành phố phát triển chương trình này và cam kết phối hợp chặt chẽ với thành phố để phát triển chương trình này”, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng nói.

Cũng theo Bộ Trưởng Phạm Hồng Hà, tuy thành phố có nhiều thành tựu trong quy hoạch phát triển đô thị thì TP. HCM đang phải đối mặt với việc mất khiểm soát trong việc phát triển dân số cơ học, phát triển đô thị không theo kịp phát triển dân số, vấn đề ô nhiễm lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu,... dẫn tới việc ngập lụt đang diễn ra nhanh. Do đó việc chỉnh trang đô thị của TP. HCM không phải là vấn đề mới nhưng cần nhìn nhận trong tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân để có lộ trình thực hiện rõ ràng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, của TP. HCM với các địa phương lân cận để được phát triển đồng bộ nhất.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM thì cho rằng trong những năm qua việc phát triển đô thị của thành phố có nhiều hướng tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung nhiều nguồn vốn để phát triển di dời nhà ở ven kênh rạch, nhiều chung cư cũ được xây dựng lại và phát triển khu đô thị mới, nhà ở xã hội...

“TP. HCM phấn đấu tới năm 2020 sẽ di dời và tạo cuộc sống mới cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch, cải tạo trên 50% các chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng. Để hoàn thành được những mục tiêu cụ thể trên thì đòi hỏi phải đưa ra được giải pháp kịp thời, hợp lý đáp ứng được nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố. Tôi hy vọng với sự chỉ đạo đồng bộ quyết liệt của chính quyền, sự tuyên truyền của đảng bộ và đồng thuận của người dân thành phố thì việc chỉnh trang đô thị của thành phố sẽ hiệu quả hơn”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong kiến nghị Trung ương cho phép TP. HCM được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho thành phố thực hiện kêu gọi những nguồn lực khác nhau cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính để phát triển đô thị. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền, cần kiến nghị với Trung ương phân cấp ủy quyền cho thành phố trên cơ sở đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quyền đã được phân cấp xuyên suốt các nhiệm kỳ. Phối hợp đồng bộ các tầng lớp nhân dân, bộ ngành từ địa phương tới Trung ương tạo sự đồng thuận trong việc đột phá chỉnh trang đô thị, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo cho thị trường bất động sản thành phố phát triển lành mạnh, công khai lành mạnh minh bạch giúp thành phố phát triển kinh tế xã hội và tạo ra kênh đầu tư thu hút vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển đô thị bền vững theo hướng hiện đại hóa.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp được các chuyên gia kiến trúc đưa ra để giúp TP. HCM thực hiện tốt chỉnh trang đô thị, đơn cử như TS.KTS Lê Văn Nam, Nguyên KTS Trưởng Thành phố, Nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Thành phố cho rằng quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng ùn tắc gia thông, ngập lụt, ôi nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng và có phần gay gắt...

Ông Nam cho rằng thành phố cần điều chỉnh quy hoạch mới gắn kết với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị cụ thể với xây dựng hệ thống giao thông công cộng nhằm định hướng phát triển đô thị dựa vào hành lang vận tải công cộng có sức chở lớn và tốc độ nhanh. Điều chuyển những khu đô thị có mật độ dân cư sinh sống lớn. Nhanh chóng tiến hành phân vùng quy hoạch chi tiết sao cho sát với chức năng và nhiệm vụ của từng quận huyện. Không nhất thiết phải lập quy hoạch chi tiết theo kiểu “phủ kín” trên toàn địa bàn thành phố mà nên chọn ra những khu vực có yêu cầu chỉnh trang và phát triển để nghiên cứu trước, đề xuất cho đúng thực chất là quy hoạch hướng dẫn đầu tư đích thực....

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM thì kiến nghị Thành phố đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án bất động sản, trước hết là các dự án xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, các dự án chỉnh trang kênh rạch; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng, giải quyết tạm cư, tái định cư; tạo điều kiện thông thoáng trong việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư, nhất là các dự án đang bồi thường giải phóng mặt bằng dở dang để tái khởi động lại, giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Hội nghị sẽ diễn ra hết ngày 7/10. Đồng thời 7 tỉnh thành lân cận của TP. HCM cũng tham gia để cùng bàn giải pháp thống nhất việc phát triển đô thị gắn với liên kết vùng. Kết thúc hội nghị, những ý kiến góp ý phát triển chỉnh trang đô thị sẽ được thu thập lại để thành phố lựa chọn thực hiện chỉnh trang đô thị theo mục tiêu phát triển thành phố từ giờ tới năm 2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản