Bất động sản TP. HCM: Để khu Đông không còn dự án "treo"
Gia Huy - 11/09/2016 09:57
 
Khu Đông là cửa ngõ TP.HCM nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, có tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua. Khu Đông gồm 3 quận là Thủ Đức, quận 2, quận 9, kết nối vào trung tâm Thành phố với xa lộ Hà Nội, đường Điện Biên Phủ, cầu Thủ Thiêm và đặc biệt là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Nơi đây là tâm điểm của thị trường bất động sản với hàng loạt dự án địa ốc từ căn hộ cao cấp, biệt thự và cả nhà ở xã hội.

Nhưng hiện tại, trên địa bàn quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức có nhiều dự án bất động sản trong cảnh “rùa bò”. Nhiều dự án đã triển khai xây dựng cách đây đã hơn chục năm, nhưng đến nay vẫn chỉ là những khối bê tông đen sì hoặc những dãy biệt thự hoang tàn. Đây là hậu quả của cơn sốt địa ốc những năm 2007.

Cụ thể, dự án nhà ở Đông Tăng Long được triển khai đã hơn 10 năm, nhưng hiện nay vẫn còn ngổn ngang, chỉ có một số ít nhà được xây dựng, còn lại vẫn trong tình trạng hoang hóa. Hay dự án nhà ở của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận cũng chỉ có vài căn nhà xây dựng. Dự án khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) được TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Hàng trăm hộ dân trong khu vực quy hoạch vẫn đang “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện.

Đô thị Thạnh Mỹ Lợi tại khu Đông TP.HCM cỏ mọc um tùm không người ở. Ảnh: G.H
Đô thị Thạnh Mỹ Lợi tại khu Đông TP.HCM cỏ mọc um tùm không người ở. Ảnh: G.H

Tương tự, một dự án khác cũng gây nhiều bức xúc cho người dân là Dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), được phê duyệt từ năm 2002, nhưng đến giữa năm 2016, cơ quan có thẩm quyền cho biết, vẫn đang bố trí vốn để cắm mốc.

Ngay chân cầu Rạch Chiếc là Dự án Khu đô thị Rạch Chiếc A cũng đã bị bỏ hoang hơn 10 năm nay. Đặc biệt, 112 căn biệt thự do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) xây dựng, đã hình thành nhiều dãy nhà biệt thự nằm trên những con đường nội bộ đẹp mắt, nhưng thiếu vắng người ở, khiến các khu nhà đang xuống cấp nặng.

Ngoài ra, Công ty Đức Khải cũng đang “ôm” một diện tích đất hơn 23.000 m2 nằm cạnh dự án Đảo Kim Cương để thực hiện Dự án Khu dân cư và Khu nhà ở Bình Trưng Tây, vốn đầu tư 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án này vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện, ngoài việc xây tường rào bao quanh.

Báo cáo mới đây của UBND quận 9 cho biết, trên địa bàn quận hiện có gần 200 ha diện tích đất dự án “treo”. Số lượng diện tích đất ‘treo” này thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá dự kiến xây mới, gồm có: Trường đại học Kiến trúc (quy mô 40 ha), Trường đại học Kinh tế (50 ha), Trường đại học Luật (30 ha), Đại học Marketing (15 ha), Nhạc viện Thành phố (20 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục thành phố (5 ha), Trường Cao đẳng và Đại học Nguyễn Tất Thành (14 ha), Trường cao đẳng Tài chính hải quan (21 ha), ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…

Trong buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, nếu cứ để dự án treo lâu ngày, vừa lãng phí đất đai, vừa khiến đời sống người dân trong khu vực dự án tạm bợ, thiếu ổn định. Ông Phong tuyên bố, Thành phố sẽ xem xét để quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng các dự án treo.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc có dự án tại Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi cho rằng, muốn sớm chấm dứt tình trạng dự án “treo” thì Thành phố cần xây dựng hệ thống giao thông kết nối với dự án, bởi những dự án vắng bóng người ở đều do tình trạng giao thông kết nối không đồng bộ.

Vị đại diện này cho rằng, để kích được thị trường ở những dự án đã xây dựng, nhưng vắng người ở, thì Thành phố phải hoàn thiện tuyến đường vành đai từ Cầu Phú Mỹ qua ngã tư Bình Thái (quận Thủ Đức) để tách dòng xe tải lưu thông, bởi những tuyến đường tại đây hiện tại xe tải hoạt động rất rầm rộ, người dân không thể về đây sinh sống vì giao thông quá tải và nguy hiểm. Đồng thời, phải làm cầu nối từ khu vực dự án Thạnh Mỹ Lợi đi qua đường Mai Chí Thọ tới cầu Rồng Ông Tố 3. Bên cạnh đó, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để kết nối giữa khu Đông về trung tâm TP.HCM, xây dựng mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh nối quận 2 về quận Thủ Đức… Như vậy, sẽ tạo ra một chuỗi kết nối giao thông giữa các khu đô thị hoang và khu vực dự án “treo”, giúp những dự án này hút người về sinh sống và phát triển đồng bộ.

Một nguyên nhân khác, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea), nhiều dự án không thể triển khai được là do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng. “Nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Chính khâu bồi thường trì trệ, kéo dài, không dứt điểm nên dự án rơi vào tình trạng trùm mền”, ông Châu nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Land cho rằng, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đền bù giải giải tỏa đất dự án, vì chỉ có chủ đầu tư sẽ không thể giải quyết được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản