Bất động sản tìm vốn ngoài nhà băng
Hà Quang - 20/08/2017 16:15
 
Bán cổ phần cho đối tác mới, gọi vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc liên doanh với đối tác nước ngoài là những cách doanh nghiệp chủ động nguồn vốn cho dự án, thay vì chỉ trông chờ vào “cửa” nhà băng.
.
.

Bán cổ phần và liên doanh

Việc Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) huy động thành công 100 triệu USD vốn đầu tư qua hình thức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản do đơn vị này thực hiện vừa được Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 vinh danh là một trong 5 thương vụ chuyển nhượng dự án tiêu biểu trong năm 2016 - 2017.

Đây là lần thứ 2 SonKim Land thực hiện thành công việc huy động vốn đầu tư quốc tế thông qua EXS Capital - tập đoàn đầu tư độc lập tại thị trường châu Á, ACA Investments - công ty quản lý quỹ hàng đầu của Nhật Bản và Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund.

Phát biểu với báo chí sau khi rót vốn vào SonKim Land, ông Hiroyuki Ono, đại diện Quỹ đầu tư ACA cho biết: “Đây là dự án đầu tư thứ 5 của chúng tôi tại Việt Nam. Trước đó, ACA Investments đã tìm hiểu hơn 100 cơ hội đầu tư và SonKim Land là một trong số ít công ty có đội ngũ chuyên nghiệp và có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Qua lần đầu tư này, chúng tôi hy vọng khai thác nhu cầu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam cùng với đối tác SonKim Land”.

Trước đó, bằng hình thức liên doanh với 2 đối tác Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long đã huy động thành công 50% trong tổng số 348 triệu USD để đầu tư Dự án Mizuki rộng 40 ha tại quận Bình Chánh, TP.HCM. Cũng với hình thức này, cuối năm 2016, Nam Long đã huy động gần 10.000 tỷ đồng để đầu tư 2 dự án là Kikyo Residence và Fuji Residence tại quận 9, TP.HCM.

Liên doanh và bán cổ phần hiện là cách huy động vốn phổ biến của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên. Các thương vụ tiêu biểu thời gian gần đây như: VinaLand thoái vốn khỏi dự án 50 triệu USD Times Square tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (bên mua là nhà đầu tư nước ngoài Elite Capital Resources Limited); CLL liên doanh với Hong Kong Land phát triển dự án hỗn hợp 9,6 ha tại quận 2, TP.HCM; FLC huy động 480 triệu USD cho các dự án bất động sản từ các cổ đông hiện hữu…

Với nguồn tài chính huy động từ các quỹ đầu tư (bán cổ phần) và đối tác (liên doanh), chủ đầu tư nhiều dự án tại Hà Nội, TP.HCM đã giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Theo đó, nhiều dự án đã được tái khởi động sau thời gian dài bất động như: D1 Mension, Kenton Node, Thuận Kiều Plaza (TP.HCM) hay The K - Park Văn Phú, Booyoung Vina (Hà Nội).

Diễn ra trên nhiều lĩnh vực

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) bất động sản diễn ra thời gian gần đây, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Soho Việt Nam cho biết, với quỹ đất ngày càng thu hẹp tại các thành phố lớn, thay vì thực hiện thủ tục thuê đất đầu tư từ đầu, nhà đầu tư nước ngoài chọn con đường ngắn hơn là góp vốn liên doanh hoặc mua lại dự án từ đối tác trong nước. Với những thị trường phát triển như Việt Nam, việc nhanh tay sở hữu quỹ đất để giải ngân vốn đầu tư trước đối thủ là điều hết sức quan trọng.

Còn ông Stephen Wyatt, Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng, hiện có hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đang chờ đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đáng chú ý, nhu cầu M&A hiện đã không còn gói gọn ở một phân khúc, mà sẽ phát triển đồng đều ở các phân khúc khác nhau như nhà ở, văn phòng cho thuê, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.

“Đặc biệt, hiện các nhà đầu tư ngoại đang có khẩu vị mới là chuyển sang M&A ở những dự án thương mại, tập trung vào những dự án văn phòng hạng A có vị trí đặc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư 7-8%/năm. Nhà đầu tư đã thấy rằng, mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn”, ông Stephen Wyatt nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước cũng đánh giá lạc quan với thị trường M&A bất động sản năm 2017-2018. Bà Phương cho rằng, sẽ có nhiều thương vụ M&A hơn nữa diễn ra và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới, đẩy thị trường bất động sản lên một bước mới, chuyên nghiệp hơn, những dự án phát triển sẽ bài bản, hiện đại hơn và rủi ro cho khách hàng cũng ít hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản