Bất động sản tại Đà Nẵng: Nhiều dự án dậm chân tại chỗ
Hà Minh - Hoàng Anh - 22/11/2018 07:44
 
Đầu tư vào các dự án bất động sản tại Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc, nhưng bên cạnh những dự án đã thực sự chuyển động, cũng còn nhiều dự án đang “dậm chân tại chỗ”.

Sôi động chuyển nhượng dự án

Từ năm 2016, thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện các thương vụ chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thực sự sôi động trong 2 năm 2017 và 2018, ở cả trong nội đô và ngoại vi thành phố. 

Việc chuyển nhượng các Dự án đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng
Việc chuyển nhượng các dự án đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng

Trong nội đô, Tập đoàn Alphanam tiếp quản Dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á và Dự án Khu phức hợp Foodinco Plaza của Tổng công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco. 

Công ty cổ phần Địa ốc Phương Trang chuyển một dự án trên đường Phạm Văn Đồng cho Công ty cổ phần Kim Long Nam với giá trị đầu tư mới trên 3.400 tỷ đồng. 

Từ một dự án “chết” hơn 10 năm, ngay sau khi tiếp quản, Kim Long Nam tức tốc đưa thiết bị và nhân lực về mặt bằng dự án, biến nơi đây thành công trường sôi động cả ngày lẫn đêm. Dự án có tên mới là Kim Long Nam Tower đang được hoàn thiện phần móng, các tầng hầm và bắt đầu xây dựng các tầng nổi… 

Một thương vụ chuyển nhượng dự án thành công phải kể đến là việc Tập đoàn BRG cùng Tập đoàn Marriott International hợp tác phát triển Dự án khách sạn Sheraton Danang Resort, mua lại từ Tập đoàn Vinacapital đầu tư trước đó. Dự án sau khi về tay của 2 nhà đầu tư này đã trở thành khu resort đẳng cấp quốc tế, là nơi lưu trú của cho các đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng cuối năm 2017.

Hồi tháng 4/2018, PPC An Thịnh Đà Nẵng (PPCAT) đã làm lễ cất nóc Tổ hợp khách sạn, condotel 5 sao quốc tế Ánh Dương - Wyndham Soleil Đà Nẵng với 4 tòa tháp cao từ 50-57 tầng. Đây là dự án mà PPCat nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà đô thị, vốn “treo” gần chục năm với giá chuyển nhượng 600 tỷ đồng.

Thương vụ gây được sự chú ý nhất trên thị trường bất động sản Đà Nẵng trong 2 năm gần đây là Tập đoàn T&T nhận chuyển nhượng Dự án The Sunrise Bay của chủ đầu tư Novaland, sau đó, dự án này tiếp tục được T&T chuyển nhượng lại cho Kim Long Nam với con số không được tiết lộ, nhưng theo giới kinh doanh bất động sản, giá trị chuyển nhượng không dưới con số ngàn tỷ đồng.

Đây là một trong những dự án lớn, trọng điểm tại TP. Đà Nẵng, với quy mô 182 ha, có vị trí đắc địa ngay chân cầu Thuận Phước, nằm trải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận Hải Châu), nhìn ra vịnh Đà Nẵng. Sunrise Bay (tên trước kia là Khu đô thị quốc tế Đa Phước) được quy hoạch xây dựng thành một khu đô thị tầm cỡ quốc tế, lớn nhất Đà Nẵng. 

Ở khu vực ngoại vi Thành phố, một dự án quan trọng phía Tây Bắc là Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng, có diện tích 331 ha, sau nhiều năm “nằm im” do khó khăn về tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi, mới đây đã bước sang một trang mới, với sự có mặt của Công ty cổ phần Trung Nam, khi đơn vị này nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ Tập đoàn Rocky Lai & Associates và các nhà đầu tư tại Mỹ. 

Một nhà đầu tư sừng sỏ tại Đà Nẵng là Đất Xanh Miền Trung đã thâu tóm Dự án Lakeside Palace từ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. Tương tự, Công ty Phú Gia Thịnh mua lại Dự án Tân Cường Thành gần 10 ha trên đường Hoàng Văn Thái để đầu tư Khu đô thị New City...

“Hoạt động chuyển nhượng dự án thời gian gần đây thu hút nguồn lực đầu tư đáng kể cho phát triển kinh tế ở Đà Nẵng, giảm số lượng dự án đầu tư treo, dự án chậm triển khai. Đây là tín hiệu đáng mừng, một cơ hội đầu tư mới cho Đà Nẵng. Đây cũng là bài học dành cho các nhà đầu tư tương lai khi phát triển các dự án cần tập trung vào chất lượng của dự án, đảm bảo về hạ tầng, chất lượng sản phẩm”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

Nhiều dự án vẫn dậm chân tại chỗ

Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, việc mua bán, chuyển nhượng dự án thời gian qua ở Đà Nẵng có sự tham gia từ các nhà đầu tư mới, có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đã góp phần giải quyết tình trạng dự án “treo”. Dự án được triển khai đã đem lại nguồn cung mới cho thị trường bất động sản, phát triển hạ tầng đô thị. Thông qua mua bán, chuyển nhượng, nhà đầu tư mới có thể tránh được những vướng mắc liên quan đến giải tỏa, đền bù hoặc các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, bên cạnh những dự án thực sự chuyển động, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí “dậm chân tại chỗ” do thủ tục kéo dài. “Có 45 dự án trọng điểm, động lực và dự án thuộc nhóm B, C trọng điểm sử dụng vốn ngân sách, đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư”, ông Sơn cho biết.

Những dự án chậm tiến độ thường là những dự án ít sinh lời, nên nhà đầu tư không thiết tha như Dự án Chung cư thu nhập thấp Tân Trà; Dự án Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm; Dự án Hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ; Dự án Cụm công nghiệp Hòa Nhơn…

Dự báo của Savills về thị trường bất động sản Đà Nẵng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy, nhiều phân khúc tại thị trường này tiếp tục hút sự quan tâm của giới đầu tư như phân khúc bán lẻ, phân khúc văn phòng, đặc biệt là phân khúc khách sạn và căn hộ khách sạn.
Với vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, nên các bất động sản du lịch tại Đà Nẵng luôn hot. Dự báo, giá bán sơ cấp của căn hộ khách sạn sẽ ở mức 2.100 USD/m2.

Một số dự án hạ tầng dân sinh cũng trong tình trạng “đủng đỉnh” như Dự án Đầu tư xây dựng lối xuống biển phía Nam Khu du lịch Future Property Invest; lối xuống biển phía Bắc Khu du lịch biển The Song; lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương; Trường THPT Sơn Trà (giai đoạn II)… 

Cũng theo ông Sơn, hiện Đà Nẵng có 23 dự án đang lập hồ sơ báo cáo chủ trương đầu tư, trong đó có các dự án được dư luận đặc biệt quan tâm như: Dự án Công viên công cộng tại khu đất thu hồi từ Dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu, Dự án Vườn tượng APEC mở rộng, Dự án Khu vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe ngầm phía Tây Nhà hát Trưng Vương (Dự án Đà Nẵng Center), Dự án Khu vườn dạo phía Đông Nhà hát Trưng Vương (thu hồi đất của Dự án Viễn Đông Meridian)…

Trước tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo, đối với các dự án thu hồi các khu đất, dự án để đầu tư các công trình công cộng, Thành phố có thể nhanh chóng ra quyết định thu hồi đất sớm. Còn các công việc như đền bù hoặc hoán đổi đất, thi công công viên công cộng, bãi đỗ xe ngầm… thì có thể ghi vốn thực hiện sau, không đợi đến năm 2020 mới thực hiện các thủ tục còn lại về chuẩn bị đầu tư.

“Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng phải chủ động lập dự án đầu tư. Những dự án nào chưa đưa vào danh mục các dự án thu hồi về đất thì tổng hợp và trình gấp cho các quận và sở, ngành để kịp trình kỳ họp HĐND Thành phố thông qua danh mục thu hồi đất. Sau khi HĐND Thành phố phê duyệt thì phải hoàn thiện hồ sơ để trình UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng phải tích cực lập lộ trình chi tiết để chỉ đạo hoàn thành nhanh chóng các thủ tục, tiến đến thu hồi các lô đất để thực hiện dự án…”, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu.

Cũng theo ông Thơ, trở ngại lớn về thu hút đầu tư nói chung, đầu tư dự án bất động sản nói riêng trên địa bàn Thành phố hiện nay là quy hoạch chưa rõ ràng và thủ tục hành chính còn chưa thông thoáng như kỳ vọng. Chính vì vậy, lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng tập trung triển khai việc điều chỉnh quy hoạch chung trên địa bàn Thành phố; các sở, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thủ tục đầu tư. 

“Đối với quy hoạch, cần làm bài bản, khoa học và có tầm nhìn hướng mở tương lai. Vì vậy, Thành phố đang xúc tiến hợp tác với một đơn vị tư vấn nước ngoài để triển khai điều chỉnh quy hoạch chung, hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung”, ông Huỳnh Đức Thơ thông tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản