Bất động sản công nghiệp nóng lên từng ngày
Hữu Tuấn - 06/04/2019 14:25
 
Phân khúc bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội cất cánh với hàng loạt yếu tố thuận lợi.
bất động sản công nghiệp đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong. Ảnh: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.
Bất động sản công nghiệp đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong. Ảnh: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.

Đua nhau đầu tư

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Đạt Phương được tổ chức mới đây, doanh nghiệp này đã quyết nghị mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khu công nghiệp và khu công nghiệp kết hợp đô thị bằng việc đề xuất tỉnh Quảng Nam cho đầu tư khu công nghiệp với diện tích 700 ha ngay trong năm 2019.

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đạt Phương cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp đang nóng, nhất là trong năm 2019 do diễn biến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước khác và Việt Nam là điểm đến tiệm cận.

Hải Phát Invest, một nhà đầu tư bất động sản chuyên về nhà ở mới đây cũng quyết định mở rộng đầu tư sang bất động sản khu công nghiệp.

“Chúng tôi đã phát triển các phân khúc mới, gồm bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp. Căng thẳng thương mại Mỹ -Trung chính là cơ hội cho Việt Nam. Hải Phát Invest nhận rất rõ cơ hội này và đã có bước đi khi hướng tới một số dự án hạ tầng ở Thái Bình và Thanh Hóa”, bà Nguyễn Thanh Hiếu, Giám đốc phụ trách quan hệ nhà đầu tư (IR) và Truyền thông Hải Phát Invest  cho biết.

Tương tự, DRH Holdings vốn là doanh nghiệp bất động sản chủ yếu phát triển dự án nhà ở tại TP.HCM, mới đây đã đầu tư sang bất động sản khu công nghiệp. DRH Holdings đang mở rộng quy mô các khu công nghiệp, thu gom các quỹ đất có quy mô lớn ở Bình Dương, Đồng Nai để phục vụ chiến lược đầu tư mới.

“Bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo. Phân khúc này có nhiều triển vọng nhờ xuất phát từ việc chuyển dịch nhà máy sản xuất tới Việt Nam của nhiều tập đoàn đa quốc gia”, ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holdings đánh giá.

Bất động sản khu công nghiệp đã trở thành “từ khóa nóng” từ cuối năm 2018, khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Từ nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh, kho bãi, bất động sản công nghiệp nhanh chóng trở thành phân khúc “hot” trong kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Đây chính là minh chứng sinh động nhất cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của loại hình khu công nghiệp và cũng là yếu tố tạo đà cho sự phát triển bất động sản khu công nghiệp Việt Nam hiện nay”, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nhận định.

Dư địa lớn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển mạnh. Đó là kết quả tích cực từ việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 73%

Theo Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 249 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 77 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 73%.

Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 970.000 tỷ đồng và khoảng 8.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 145 tỷ USD.

Mặt khác, Việt Nam hiện có chi phí sản xuất thấp (dưới 1 USD/giờ), là một trong những nguyên nhân thu hút mạnh dòng vốn FDI trong thời gian gần đây.

Theo ông Troy Griffiths, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, FDI tăng mạnh, đi kèm với sự dịch chuyển của chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc tư vấn Savills Hà Nội bổ sung, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc và nhiều cảng biển lớn được kết nối với các khu công nghiệp. “Giá cho thuê tại các khu công nghiệp tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, trong năm 2019, phân khúc này sẽ tiếp tục phát triển mạnh”, ông Sơn dự báo.

Ông  Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, trong năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam. Việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cũng phải quan tâm đến nhà ở thương mại để đáp ứng các khu công nghiệp.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, khu kinh tế, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, nhu cầu và cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

“Chúng tôi đánh giá đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển trong vài năm tới”, ông Hà nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản