Bất động sản bán lẻ bật tăng
Lê Quân - 13/12/2020 16:35
 
Dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng từ cuối quý IV/2020, thị trường bất động sản bán lẻ đang bật lên, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ  đang tìm thuê mặt bằng. Trong ảnh: Louis Vuitton thuê 1.000 m2 toà nhà International Centre (Hà Nội) để mở rộng kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tìm thuê mặt bằng. Trong ảnh: Louis Vuitton thuê 1.000 m2 toà nhà International Centre (Hà Nội) để mở rộng kinh doanh

Lựa chọn chiến lược của khối ngoại

Nhà đầu tư ngoại có bước đi dài hơi trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Những bước đi của họ nhắm vào sức mua nội địa lớn của thị trường gần 100 triệu dân, cùng với tầng lớp trung lưu và người giàu đang gia tăng nhanh chóng.

Hai “đế chế đồ xa xỉ” Louis Vuitton và Christian Dior tiếp tục tham gia sâu vào thị trường bán lẻ Hà Nội với động thái mở rộng kinh doanh và thuê 1.500 m2 mặt bằng tại tòa nhà International Centre, khu vực quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ khác như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe…

Cụ thể, Louis Vuitton mới đây đã chính thức thuê hơn 1.000 m2 cho cửa hàng flagship của mình, còn Christian Dior thuê hơn 500 m2. Được biết, quá trình nghiên cứu và tư vấn tìm kiếm mặt bằng cho 2 cửa hàng flagship của Louis Vuitton và Christian Dior kéo dài gần 18 tháng, từ cuối năm 2018 đến tháng 4/2020.

Các nhãn hiệu quốc tế như Uniqlo, Giordano, ACE và Watson vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà bán lẻ quốc tế về triển vọng tiêu dùng của Việt Nam trong dài hạn.

Savills Việt Nam đánh giá, thị trường bán lẻ đồ xa xỉ trong nước vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp tại các vị trí đắc địa, song đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, điều thú vị là chứng kiến một số thương hiệu thời trang cao cấp chủ động tìm kiếm mặt bằng tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này cho thấy, Covid-19 dường như không ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam.

“Thời gian tới, thị trường sẽ chào đón thêm một số thương hiệu cao cấp khác, bên cạnh những thương hiệu bình dân nhắm vào tầng lớp trung lưu và thế hệ Millennials tại Việt Nam những năm gần đây”, bà Thanh nói.

Dư địa cho các nhà bán lẻ ngoại đến từ việc Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia trong khu vực có GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục duy trì kinh tế ổn định và phát triển ở mức nhanh nhất tại Đông Nam Á. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 và nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021.

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu về bất động sản sẽ ngày càng lớn và giá bất động sản tiếp tục tăng.

Bung hàng ra ngoài trung tâm

Hai đợt Covid-19 bùng phát vừa qua đã gây những tác động không nhỏ tới thị trường bán lẻ Việt Nam, tuy nhiên, theo bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Savills Việt Nam, việc kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 đợt 2 giúp củng cố niềm tin vào thị trường. Ngoài ra, các trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ tích hợp từ mua sắm, giải trí và ẩm thực có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua sắm, từ đó tăng lưu lượng người mua, tham quan và tiếp đến tạo doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu cho khách thuê tại đây.

Các chuyên gia đánh giá, bước sang quý I/2021, với triển vọng kinh tế tích cực, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và tác động từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, sẽ đưa ngành bán lẻ Việt Nam trở lại guồng quay.

CBRE cho rằng, sau thời gian im ắng vì Covid-19, nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu quay lại thị trường bán lẻ Việt Nam. Bất động sản bán lẻ đang đón dòng vốn trực tiếp dồn dập của nhà đầu tư ngoại. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Bất động sản Việt - Nhật liên tiếp đổ vốn vào 5 dự án xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị ở các tỉnh Bến Tre, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 72,3 triệu USD và dự kiến đưa các dự án vào hoạt động cuối năm 2020 và năm 2021.

Thị trường bất động sản bán lẻ TP.HCM thì dự kiến đón thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80%. Thị trường này cũng ghi nhận động thái mở rộng kinh doanh của khối ngoại. Sau nhiều tháng tiến hành cải tạo, Parkson (Malaysia) đưa vào hoạt động mặt bằng bán lẻ khá lớn, tới 1.700 m2 tại Trung tâm thương mại tại quận 1. Cũng tại trung tâm thương mại này, ngoài Uniqlo, một thương hiệu Nhật Bản khác là MUJI đã khai trương cửa hàng đồ gia dụng và dự kiến tăng thêm diện tích sàn 2.000 m2 trong quý này.

Với nhiều dự án dang dở và dự kiến quay lại triển khai để mở cửa hoạt động theo kế hoạch, thị trường bất động sản bán lẻ TP.HCM sẽ đón thêm dự án mới Socar Shopping Mall đi vào hoạt động năm 2021. Bước sang giai đoạn 2022 - 2024, thị trường này sẽ chào đón nguồn cung mới, quy mô “khủng” lên tới 430.000 m2, chủ yếu nằm ở khu vực ngoài trung tâm như Vincom Megamall Grand Park (quận 9) và Elite Mall (quận 8).

Còn với thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội, đến năm 2022, dự kiến có thêm 20 dự án với 302.000 m2 được ra mắt. Các dự án đáng chú ý bao gồm Vincom Mega Mall Ocean Park (Gia Lâm), Vincom Mega Mall Smart City và Lotte Mall Hà Nội cùng Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát. Nguồn cung mở rộng ra ngoài trung tâm sẽ làm giảm giá thuê toàn thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản