Bán dự án trả nợ: OGC có thoát khỏi thua lỗ?
Kỳ Thành - 26/02/2016 07:50
 
CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) công bố Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2015 với kết quả có lãi. Tuy nhiên, kết quả này liệu có khả quan nếu loại trừ việc bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Blue Star?
TIN LIÊN QUAN

Sau khi rơi xuống đáy vào giữa năm 2015 khi chỉ giao dịch quanh mức 2.500 đồng/cổ phần, cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương đã xuất hiện sóng tăng trở lại vào cuối năm 2015 và duy trì đà hồi phục cho đến nay. Diễn biến tăng chủ yếu do thông tin lợi nhuận hợp nhất quý III/2015 của OGC đạt 1.511 tỷ đồng nhờ giao dịch bán toàn bộ phần vốn tại Blue Star - công ty sở hữu khu đất vành khăn tại Dự án Đông Nam Trần Duy Hưng.

Trong quý IV/2015, OGC báo lãi 41 tỷ đồng, đúng như lời hứa của Chủ tịch HĐQT Lê Quang Thụ tại đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 11/2015 là quý IV sẽ không lỗ. Điều này giúp OGC đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 là 1.443 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 1.392 tỷ đồng.

.
.

Nhưng nếu nhìn vào Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 và cả năm 2015, thì kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2015 của OGC hoàn toàn dựa vào việc bán cổ phần tại Công ty Blue Star.

Báo cáo này cho biết, trong năm 2015, doanh thu thuần của OGC chỉ đạt 835 tỷ đồng, bằng 30% so với con số của năm 2014. Sau khi trừ giá vốn hàng bán là 509 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của OGC là 326 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước đó. Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của OGC năm 2015 đã giảm mạnh. Việc OGC ghi nhận lợi nhuận khủng trong năm 2015 nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.820 tỷ đồng, phần lớn từ việc bán cổ phần tại Công ty Blue Star.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, cùng với doanh thu sụt giảm mạnh và nếu OGC bán hết các dự án để trả nợ thì OGC dành lại những gì cho hoạt động kinh doanh 2016?

Dựa trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất năm 2015 của OGC, các khoản trích lập dự phòng giảm giá khiến OGC lỗ nặng năm 2014 gần như vẫn y nguyên. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 9 tỷ đồng so với cuối năm 2014, khiến trích lập dự phòng tăng 1,5 tỷ đồng, lên 33,8 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn tăng 18 tỷ đồng, nhưng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lại tăng 97 tỷ đồng lên 1.564,5 tỷ đồng.

Đối với tài sản dài hạn, các khoản phải thu dài hạn của OGC trong năm 2015 giảm tới 41,2%, còn 1.272 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng cho khoản mục này giữ nguyên như năm 2014 là 500 tỷ đồng. Duy chỉ có khoản đầu tư tài chính dài hạn, OGC đã cơ cấu lại khi giảm phần vốn góp liên doanh, liên kết và tăng phần vốn góp vào các đơn vị khác, giúp trích lập dự phòng giảm mạnh từ 13,54 tỷ đồng (năm 2014) còn 794 triệu đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ của OGC đã giảm mạnh từ 7.488 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2014, xuống còn 4.987 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận ngàn tỷ năm 2015 của OGC cũng giúp Công ty giảm lỗ lũy kế từ mức 2.435 tỷ đồng (năm 2014) còn 970,8 tỷ đồng.

Trong năm 2016, OGC đặt kỳ vọng lợi nhuận từ Dự án Star City Trần Khánh Dư (25- Trần Khánh Dư, Hà Nội) và Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang (OGC góp 21% vốn).

Theo kế hoạch, cuối quý II/2016, Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang sẽ bắt đầu thu hoàn vốn. Đại diện lãnh đạo OGC cho biết, Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá là một trong 3 dự án có nguồn thu và khả năng thu hồi vốn tốt nhất trong số các dự án BOT đang triển khai trên cả nước.

Có thể thấy, mặc  dù đạt được lợi nhuận cao trong năm 2015, nhưng tình hình tài chính của OGC vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản trích lập dự phòng vẫn khá cao.Bên cạnh đó, dù đã tích cực cơ cấu các khoản nợ, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của OGC cũng chưa có nhiều chuyển biến.

Với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn từng rơi vào tình trạng phải trích lập các khoản dự phòng rủi ro lớn như OGC, cơ hội xử lý được các khoản phải thu và hoàn nhập các khoản dự phòng không nhiều. Do vậy, với tình hình tài chính cùng các dự án còn lại, khả năng để OGC thoát khỏi thua lỗ và đạt được kết quả kinh doanh ổn định trong năm 2016 vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản