Vì sao đại gia "Đường bia" bán Tháp văn phòng Hòa Bình lấy 735 tỷ đồng?
Hữu Tuấn - 28/07/2015 10:24
 
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình Green cho biết, sau khi bán tòa nhà Tháp văn phòng Hòa Bình, số tiền thu được sẽ dùng cho việc xây dựng các trung tâm thương mại bán hàng Việt Nam chất lượng cao tại các tỉnh thành.
Phiên đấu giá Tòa tháp đôi Somerset Hòa Bình của Hòa Bình Group.
Phiên đấu giá Tòa tháp văn phòng Hòa Bình của Hòa Bình Group.

Sáng 27/7, Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất thuê và công trình trên đất là Tòa tháp quốc tế Hòa Bình (tọa lạc tại 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) của Hòa Bình Group. Tháp đôi Hòa Bình gồm toà tháp văn phòng cho thuê và toà tháp căn hộ cho thuê Somerset Hoà Bình. Toà tháp bán đấu giá là toà tháp văn phòng, bên cạnh toà tháp cho thuê Somerset Hòa Bình.

Có 5 doanh nghiệp tham gia đấu giá là Công ty Hải Phát, Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty Văn phú Invest, Công ty TNHH quản lý bất động sản An Cư, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Văn Minh. Công ty TNHH Quản lý bất động sản An Cư đã giành chiến thắng với mức giá 735 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, ngoài quyền sử dụng đất thuê và công trình Tháp văn phòng Hòa Bình trong thời hạn 40 năm, doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được ưu tiên lựa chọn vị trí đặt quảng cáo và được sử dụng miễn phí khoảng 100m2 diện tích trong thời hạn 50 năm trong 63 trung tâm thương mại sẽ được công ty đầu tư xây dựng tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Năm 2004, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group đầu tư 26,1 triệu USD xây dựng tòa Tháp đôi Hòa Bình. Tòa tháp quốc tế Hòa Bình ở vị trí đắc địa giữa hai tuyến huyết mạch với chiều cao 22 tầng nổi, 2 tầng hầm trên diện tích tổng thể 1.952m2, trong đó diện tích xây dựng là 1.512m2.

Tháp đôi Hoà Bình được xây dựng với yêu cầu về kỹ thuật cao như có khả năng chịu động đất cấp 8, kính an toàn cách âm, cách nhiệt chất lượng cao. Hơn nữa, đối tác nước ngoài đòi hỏi khắt khe về chất lượng, như dây cáp điện chống cháy, đường ống nước chịu được áp lực cao.

Thời điểm đó, hàng loạt chủ đầu tư có đất đều đầu tư xây dựng nhà ở để bán vì sẽ thu hồi tiền nhanh, duy chỉ có ông Đường là làm ngược lại, đầu tư tư hạng sang để cho thuê. Ông Đường nhận định, Việt Nam đang là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài và văn phòng, căn hộ cho người nước ngoài thuê sẽ thiếu. Vì thế, ông quyết định xây dựng một tòa tháp đôi đạt tiêu chuẩn châu Âu để cho thuê.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trước ngày đấu giá tài sản này, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, sau 9 năm vận hành, dự án đã mang lại hiệu quả rất cao. Đến nay, Hòa Bình Group đang triển khai một kế hoạch lớn là xây dựng hệ thống Trung tâm thương mại bán hàng Việt Nam, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam trên khắp cả nước. Số tiền bán đấu giá Tháp văn phòng Hòa Bình sẽ dùng để phục vụ cho kế hoạch này.

Tháng 4/2008, ông Đường đã gửi một bức tâm thư tới Bộ Chính trị đề xuất phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” để động viên, tuyên truyền, phát huy tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy người dân rất ủng hộ, nhưng hiện hàng ngoại vẫn đang lấn át hàng Việt Nam, số DN ngừng sản xuất và phá sản quá nhiều. Nguyên nhân do trang thiết bị lạc hậu, giá thành sản xuất cao, hàng hóa sản xuất ra không có nơi tiêu thụ...

Năm 2014, ông  đã có văn bản gửi Bộ Chính trị đề xuất rằng, muốn hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt thì phải có máy móc, thiết bị tốt. Tôi đã đề nghị hỗ trợ lãi suất vay cho DN mua thiết bị mới, hỗ trợ vay vốn xây dựng các TTTM của DN Việt bán hàng Việt. Nếu giải quyết được 2 vấn đề này, các DN đang khó khăn (vì không tiêu thụ được sản phẩm mới và không sản xuất được hàng chất lượng cao giá rẻ) sẽ bán được hàng và mở rộng sản xuất.

Để chứng minh đề xuất này là hoàn toàn khả thi, cuối năm 2013, ông Đường đã quyết định dành 5 tầng thương mại và tầng hầm Dự án Hòa Bình Green City rộng 25.000 m2 trị giá 500 tỷ đồng hoàn toàn miễn phí, không thu tiền mặt bằng cho các DN Việt Nam vào trưng bày, bán sản phẩm.

"Chúng tôi tin tưởng rằng những hàng hóa trong TTTM V+ được bán với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất thế giới, chính điều đó giúp cho cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có hiệu quả. Người tiêu dùng sẽ mua được hàng tốt nhất với giá rẻ; các doanh nghiệp phát triển; thu hút khách du lịch đến Việt Nam mua hàng Việt Nam. Chúng tôi cam kết rằng với sự thành công của TTTM V+  tại Hà Nội, chúng tôi sẽ phát triển mô hình của TTTM V+ đến 62 tỉnh thành còn lại của đất nước trong 3 năm tiếp theo", ông Đường cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản